Thi thể nạn nhân vụ án mạng nghiêm trọng được đưa ra khỏi hiện trường.(Ảnh: Infonet)
Các luật sư đã phân tích và nêu ý kiến về việc chị Hằng sử dụng hung khí đâm tử vong tên trộm đang truy sát mình có phải là hành động phòng vệ chính đáng hay không?
Hành vi đâm chủ nhà của tên trộm cấu thành tội “Giết người”
Hơn một ngày qua, vụ án trộm chém nam chủ nhà tử vong rồi bị vợ chủ nhà chém lại mất mạng ở Long An đang gây xôn xao dư luận.
Ngoài việc bàn tán xôn xao về vụ án khiến 2 người tử vong, dư luận đặt ra râu hỏi việc nữ chủ nhà chém tên trộm vừa sát hại chồng mình sẽ phải đối diện với hình phạt nào của pháp luật.
Để giải đáp những thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo Luật sư Thơm: Hiến pháp và pháp luật nước ta đều tôn trọng và bảo vệ quyền con người, trong đó quyền sống là quyền cao quý nhất.
Dưới góc độ pháp luật hình sự, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Sự chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào chính người tấn công, vào chính người đang gây ra nguy hiểm cho xã hội. Thêm nữa là sự chống trả của người phòng vệ phải là sự chống trả cần thiết.
Xét hành vi của đối tượng Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) đã có lỗi xâm phạm chỗ ở, chuẩn bị hung khí nguy hiểm đột nhập vào nhà ở người khác vào ban đêm để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Khi bị vợ chồng anh Võ Tấn Hội (38 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An) phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh Hội tử vong tại chỗ.
Ngay trong lúc này, chị Nguyễn Thúy Hằng (31 tuổi, vợ anh Hội – PV) sợ hãi, ôm con nhỏ một tuổi bỏ chạy thì Trung cầm hung khí đuổi theo nhằm sát hại, bịt đầu mối.
Người dân xem khám nghiệm hiện trường vụ án
Khi Trung đâm trúng chị Hằng thì chị này may mắn nhặt được hung khí rồi quơ tay về sau đâm trúng hung thủ khiến đối tượng gục tại chỗ.
Hành vi phạm tội của Nguyễn Thành Trung sát hại anh Võ Tấn Hội đã cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015 nhưng do đối tượng đã chết nên không có căn cứ xử lý.
“Việc sử dụng hung khí của chị Hằng chống trả lại Trung đang truy sát tiếp tục giết mình là cần thiết và tương xứng để bảo vệ tính mạng của bản thân và cháu nhỏ.
Hành vi của chị Hằng dùng hung khí đâm trúng hung thủ gây tử vong trong hoàn cảnh này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không cấu thành tội phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo hướng dẫn của TAND Tối cao đã quy định “Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng…” Luật sư Thơm nêu quan điểm qua những thông tin về vụ án được báo chí đăng tải.
Vợ chủ nhà phòng vệ chính đáng?
Cùng chung quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn luật sư TP HCM cho rằng: Với diễn biến nội dung vụ việc thì không thể kết tội chị Hằng về hành vi giết người được bởi đây là một hành vi phòng vệ chính đáng được pháp luật cho phép nhằm bảo vệ mạng sống của chính mình mà chống trả lại hành vi nguy hiểm của tên trộm.
Viện dẫn Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Thạch Thảo chỉ ra căn cứ pháp lý: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Phân tích thêm tình huống cụ thể trong vụ án này, Luật sư Thảo cho rằng: Thứ nhất, sự chống trả đó là cần thiết và kịp thời trong một khoảng thời gian chỉ vài giây, sau khi chị Hằng bị tên trộm chém một nhát vào lưng và đang trên đà lao tới để chém chị này.
Thứ hai, việc chống trả đó nhằm ngăn chặn sự tấn công nguy hiểm của tên trộm vào chính bản thân chị Hằng và sự chống trả đó là tương thích với sự tấn công hung bạo của tên trộm.
Cuối cùng, nếu chị Hằng không may mắn chụp được con dao ngay cửa để phản ứng lại tên trộm thì chị sẽ trở thành nạn nhân thứ 2 sau chồng chị, chưa tính tới đứa con chị đang bế trên tay có bị tên sát nhân đó tha sống hay tiếp tục là nạn nhân thứ 3 của hắn.
Theo Luật sư Thảo, cần có những điều chỉnh để không xảy ra các vụ án mà người phạm tội lại chính là chủ nhà gây thương tích cho những đối tượng trộm cướp, xâm nhập bất hợp pháp.
Tuy nhiên, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ các tình tiết trực tiếp liên quan vụ án. Chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất.