Người Việt trẻ đang “phá huỷ” thận do lối sống cuốn vào bia rượu và những bữa thịnh soạn

Cuốn mình vào những cuộc vui rượu bia, những bữa ăn thịnh soạn trên bàn nhậu, không ít người trẻ “phá huỷ” thận mà không hay biết.

LTS: Suy thận mãn tính hiện nay ngày càng tăng và đang có xu hướng trẻ hóa do lối ăn uống thiếu kiểm soát, thói quen ít vận động, stress… Sự chủ quan không có ý thức bảo vệ hai quả thận, đã khiến cho rất nhiều người phải trả giá đắt.

Để giúp cho mọi người cảnh giác hơn với căn bệnh suy thận mãn tính, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài: Đừng phá hỏng thận bằng sự chủ quan!

Cách đây 8 năm, vào một ngày đẹp trời chịN.T.H (35 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đi làm việc bình thường như bao ngày khác. Chị H, cảm thấy xây xẩm mày mặt, choáng đầu, chị chỉ nghĩ bị thiếu máu thông thường.

Công việc cứ cuốn chị đi, khoảng 1 tuần sau chị H bắt đầu bị phù chân, hoa mắt, chóng mặt nhiều hơn. Chị H đi khám thiếu máu, bác chị chỉ định thêm làm xét nghiệm chức năng thận. Kết quả, chị H bị suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kỳ sớm nhất có thể.

“Tôi lúc đó mới 27 tuổi, sự nghiệp đang rộng mở, có người yêu và tương lại sẽ có một gia đình hạnh phúc nhưng tất cả đã chấm hết. Khi tiếp nhận thông tin đó từ bác sĩ tôi đã rất hoảng loạn, muốn buông xuôi và oán trách cuộc đời bất công”, chị H nói.

Người Việt trẻ đang phá huỷ thận do lối sống cuốn vào bia rượu và những bữa thịnh soạn - Ảnh 2.

Chị H, đang thực hiện lọc máu chu kỳ.

Những suy nghĩ tiêu cực của chị H cũng nhanh chóng qua đi, được sự giải thích của bác sĩ và động viên của gia đình chị đã chấp nhận lọc máu chu kỳ.

Chị H đã lọc máu chu kỳ được 8 năm, hiện chị làm công việc kinh doanh online. Khi hỏi về nguyên nhân gây ra căn bệnh suy thận chị H cho biết là do quá chủ quan với sức khoẻ, ăn uống không kiểm soát.

Trước khi, mắc bệnh chị làm công việc kinh doanh và rất bận rộn không có thời gian quan tâm tới những sự thay đổi của cơ thể.

Những bữa ăn thịnh soạn trên bàn tiếp đối tác đã khiến cho chị bị rối loạn lipid máu nhưng chị không hay biết nó đang từng ngày phá hủy thận.

“Giờ tôi là một con người mang bệnh tật. Tôi không dám nghĩ tới chuyện yêu một ai đó. Ai có thể chấp nhận yêu một người bệnh tật như tôi?”, chị H nói trong nước mắt.

Bệnh thận suy thận mạn đang trẻ hóa

Ths.BS Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Trưởng đơn vị đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bác sĩ không thể nào quên hình ảnh những chàng thanh niên, cô gái trẻ đã “sốc” khi biết mình mắc suy thận mạn giai đoạn cuối.

Đó là trường hợp nam thanh niên 25 tuổi tình cờ phát hiện ra suy thận mạn giai đoạn cuối sau khi đi khám sức khỏe cùng cơ quan. Khi được bác sĩ thông báo suy thận mạn, nam thanh niên “sốc” khóc không ra tiếng.

Nam bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không hề hay biết vẫn duy trì lối sống nhậu nhẹt, ít vận động ăn nhiều thịt, hậu quả bệnh diễn biến dẫn tới suy thận.

Người Việt trẻ đang phá huỷ thận do lối sống cuốn vào bia rượu và những bữa thịnh soạn - Ảnh 3.

Bác sĩ Quốc đang khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Quốc cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân mê nhậu, uống phải rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn tới ngộ độc và bị suy thận cấp. Đã có những trường hợp bệnh nhân bị suy thận cấp đã diễn biến thành suy thận mạn tính.

Một số quý ông dùng rượu ngâm thuốc nam, ngâm mật động vật, ngâm các loại động vật… để bồi bổ cơ thể. Nhưng ít ai rằng các loại rượu này có thể chứa các chất độc.

Khi bị ngộ độc các loại rượu này, bệnh nhân có thể bị vô niệu hoàn toàn do hoại tử ống thận cấp và cuối cùng là suy thận

Bệnh thận mãn tính tập chung chủ yếu ở người trung niên, tuy nhiên hiện nay bệnh nhân trẻ bị bệnh thận suy thận mãn ngày càng tăng. Thói quen ăn uống không tiết chế, uống nhiều rượu bia, ít vận động, stresss… đã là gia tăng các bệnh lý huyết áp, rối loạn chuẩn hóa lipid máu, tiểu đường ở người trẻ. Hậu quả, dẫn tới người trẻ bị suy thận mãn tính”, bác sĩ Quốc nói.

Còn theo Th.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa Nội thận – Thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, suy thận mạn ở người trẻ thường là do tiếp xúc độc chất; thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng; các bệnh lý miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, các bệnh cầu thận nguyên phát…

Bác sĩ Phương thảo cho hay, có hai loại bệnh lý cần chạy thận nhân tạo:

– Tổn thương thận cấp, nặng: bệnh diễn tiến trong vài tuần gần đây, chỉ chạy thận nhân tạo khi thận suy nặng, nhưng nếu tìm ra nguyên nhân và chữa trị đúng cách, chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn, không cần phải chạy thận nhân tạo.

– Suy thận mạn giai đoạn cuối, bệnh diễn tiến qua nhiều tháng, nhiều năm, hai thận teo, không còn khả năng hồi phục, phải lệ thuộc các biện pháp điều trị thay thế thận suốt đời.