Người Quan họ trọng nhau vì nết mến nhau vì tình

Trong tứ trấn người đà chưa tỏ
Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh
Yêu nhau trở lại xuân đình
Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường.

Đó là một câu ca nói lên niềm tự hào của người Xứ Bắc, một vùng đất nổi tiếng với những con người thanh lịch, nơi sinh ra những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đượm chất trữ tình làm say đắm lòng người.
Hễ cứ đến mùa xuân là các làng Quan họ ở xứ Bắc lại đua nhau tổ chức lễ hội. Trong các hội làng thường tổ chức các trò chơi dành cho con trai thi mạnh (như đánh vật, kéo co, cướp cầu…); Con gái thi mềm (như thi dệt vải, thi nấu cơm…). Nhưng đặc sắc hơn cả là có phong tục hát đối đáp Quan họ. Hội làng là nơi để người dân được giao lưu tình cảm và cũng là mảnh đất tươi tốt để cho nghệ thuật ca hát của các tầng lớp nhân dân được đề cao, khuyến khích và phát triển. Nếu như đạo đức phong kiến Nho giáo xưa thường cấm trai gái không được kết thân với nhau (nam nữ thụ thụ bất thân), thì trong những ngày hội làng ở vùng Kinh Bắc, nam nữ lại được phép quây quần, hội tụ bên nhau với nhiều trò chơi như đu bay, bịt mắt bắt dê, cờ người… Đặc biệt trong ca hát Quan họ thì nhất thiết phải là nam Quan họ làng này kết bạn với nữ Quan họ làng kia mới được phép ca đối đáp với nhau.
Có lẽ tín ngưỡng dân gian cho rằng nếu cấm hẳn các mối quan hệ nam nữ (âm – dương) trong lễ hội thì sẽ ảnh hưởng đến mùa màng (mất mùa) và đời sống sinh hoạt của cộng đồng trong cả năm. Thế cho nên ở các làng Quan họ không những người ta cho phép trai gái kết bạn với nhau, mà trong ứng xử người Quan họ luôn có tinh thần tôn trọng phụ nữ. Mặc dù xã hội phong kiến xưa cấm đàn bà con gái tham gia vào việc tế lễ, người ta sợ phụ nữ tham gia vào phần lễ sẽ bị xúi (xái), nhưng tại các làng Quan họ, các liền chị cùng với các liền anh lại được vào đình làng để hát thờ Thành hoàng. Các liền anh Quan họ không bao giờ gọi các liền chị Quan họ là em, là cô… mà gọi bằng chị Hai, chị Ba, chị Tư… bằng người ngoan, người ơi, hay Quan họ ơi… Rồi xưng “ em” với các liền chị.

 

Người Quan họ không gọi là đi “hát Quan họ” mà gọi là đi “chơi Quan họ”. Chơi Quan họ ngoài mục đích ca hát còn để giao lưu tình cảm lâu dài và duy trì các mối quan hệ mật thiết khác trong cuộc sống. Nội dung căn bản trong sinh hoạt Quan họ là thể hiện tình cảm thủy chung trước sau như một giữa các cặp kết bạn, kết nghĩa. Những chuẩn mực đạo đức phong kiến cũng được đưa vào lời ca Quan họ “Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết nghĩa làm câu răn mình”. Chỉ kết bạn mà không được yêu đương, dan díu với nhau, càng không được dẫn đến hôn nhân, nếu như các làng đó đã kết chạ với nhau. Nếu cặp đôi nào vi phạm một trong những điều này sẽ bị dư luận làng xã lên án, sẽ phải từ bỏ cuộc chơi vĩnh viễn. Vì không có “bọn Quan họ” nào (từ dùng trong Quan họ cổ) dám kết nạp lại người đã vi phạm (luật chơi) vào bọn Quan họ của mình nữa vì sợ bị xúi. Chính vì thế mà các liền chị thì được cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng hoặc chồng con tạo điều kiện thuận lợi để được đi chơi hội, chơi Quan họ. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi/Cái già xồng xộc nó thì đến nơi”. Chơi Quan họ cho dầy vốn liếng, đến khi tuổi cao sức yếu không đi chơi được nữa thì làm bà “chứa”, làm bà “trùm” truyền dạy cho con cháu trong họ, ngoài làng… Tuy được làng xã tôn trọng, nhưng các liền anh, liền chị rất ý tứ trong từng đường ăn ý ở, từ ánh mắt, nụ cười cho đến cách đi đứng nói năng. Các chị luôn nhắc nhở nhau phải xử sự sao cho thật nền nã. Thế mới biết rằng nền nã không chỉ biểu hiện trong lời ca tiếng hát mà còn biểu hiện sự tình tứ, sự vừa độ trong văn hóa ứng xử của người phụ nữ Việt nói chung, của các liền chị Quan họ nói riêng.
Hát hay chỉ là một trong những tiêu chuẩn của người Quan họ, bên cạnh đó trong mọi cư xử người Quan họ phải chân thành, trong sáng, lành mạnh mới có thể hòa mình vào cuộc chơi. Chính vì thế các liền chị Quan họ không bị gia đình và làng xã ngăn cấm, các chị luôn được khuyến khích, động viên để tham gia vào cuộc vui chơi lành mạnh. Người dân Xứ Bắc từ xưa đến nay vẫn quan niệm chơi Quan họ là thú chơi tao nhã, quan hệ giữa các “bọn Quan họ” luôn luôn quý nhau vì nết, trọng nhau vì tình.
Ngày nay Bắc Ninh không chỉ có những làng Quan họ gốc như xưa kia, mà dân ca Quan họ đã lan tỏa ra nhiều làng xã khác, còn lan tỏa sang cả các tỉnh lân cận. Điều đó cho thấy giá trị của thể loại dân ca Quan họ có sức cuốn hút rất mạnh mẽ trong xã hội đương đại, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng.

Đỗ Hữu Bảng