Người phụ nữ ung thư, nhà ở phố cổ, 10 năm cho sĩ tử thi Đại học ở trọ miễn phí: Giờ thay đổi thi cử, chẳng còn thí sinh ở xa đến nữa, cô cũng buồn

Lắng nghe câu chuyện của cô Bích, ta chợt nhận ra rằng trên đời này chẳng có gì đẹp hơn lòng nhân ái và nhờ có tình người, sự sẻ chia mà cuộc sống trở nên thật ý nghĩa, ấm áp.

Gặp cô Trần Thị Bích vào một buổi trưa tháng 6 của Hà Nội nắng nóng như đổ lửa, nhìn cô Bích ít nhận ra rằng cô đang mắc bệnh ung thư bởi nụ cười luôn thường trực trên gương mặt người phụ nữ có tấm lòng hảo tâm sẵn sàng cho các em học sinh ở trọ miễn phí khi đi thi Đại học. Cô Bích kể chuyện với một chất giọng nhẹ nhàng, từ tốn và thỉnh thoảng lại bất giác đưa tay lên lau những giọt nước mắt vì xúc động mỗi khi nghĩ đến các hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh đã từng đến gõ cửa nhà cô xin được ở nhờ.

“Cô làm việc này chẳng phải vì kinh tế hay màng gì về danh tiếng đâu”, cô Bích mở đầu câu chuyện. “Thực ra chuyện các em đến đây ở giờ cũng không còn thường xuyên kể từ khi Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh ở những tỉnh xa hầu như không còn về Hà Nội để dự thi vào trường Đại học, Cao đẳng, thỉnh thoảng chỉ có vài em học sinh từ các huyện xa trung tâm Hà Nội liên hệ với cô, nhưng trong kỳ thi này thì không thấy có ai tới nữa cả, cũng hơi buồn vì mọi năm trước cứ tới kỳ thi Đại học là nhà đông đúc lắm, nhưng thay đổi thế này thì thí sinh và gia đình cũng đỡ vất vả phần nào.”

Người phụ nữ ung thư, nhà ở phố cổ, 10 năm cho sĩ tử thi Đại học ở trọ miễn phí: Giờ thay đổi thi cử, chẳng còn thí sinh ở xa đến nữa, cô cũng buồn - Ảnh 1.

Cô Bích tâm sự về những kỷ niệm của những ngày cho các bạn thí sinh đến ở trọ miễn phí để dự thi Đại học, Cao đẳng. (Ảnh: Quang Huy)

Muốn làm một viên gạch đóng góp vào bức tường hoa của xã hội

Cô Bích cho biết, việc cô cho các em học sinh đến ở nhờ vào mỗi kỳ thi xuất phát từ việc con gái của cô – chị Trần Bích Trang đề xuất. Vào dịp hè năm 2009, khi chị Trang tham gia các hoạt động tình nguyện trong phong trào “Mùa hè xanh tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”…Nhiều lần chứng kiến các bạn học sinh từ tỉnh xa tận Nghệ An, Thanh Hoá,…thậm chí còn có những trường hợp từ các tỉnh phía Nam lặn lội về Hà Nội dự thi, nhiều bạn gia đình nghèo khó, chẳng có điều kiện phải đi thuê những căn nhà trọ tồi tàn, có bạn còn phải trải chiếu nằm công viên, gầm cầu, khuôn viên trường để tiết kiệm chi phí. Chứng kiến những hoàn cảnh đó, chị Trang đã về đề xuất với bố mẹ cho các bạn học sinh dự thi Đại học, Cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn đến ở miễn phí tại nhà mình.

Khi nghe con đề xuất, cô và chồng cô liền đồng ý ngay, chồng cô, chú Trần Đăng Ninh, còn nói: “Con cho các bạn về nhà mình ở nhờ cũng được, nhà mình cũng rộng rãi, nếu giúp đỡ được thì phải giúp”. Được chồng và con ủng hộ, cô Bích đã dành trọn tầng 4 (diện tích khoảng 40m2) cho các em học sinh ở miễn phí trong thời gian tham dự kỳ thi. Cô còn mua sắm các đồ dùng thiết yếu như bếp nấu, xoong nồi, bát đĩa, lắp thêm quạt, điều hoà,…để các em học sinh nấu ăn cho thuận tiện, đảm bảo vệ sinh, sức khoẻ. 

Đồng thời, cô Bích còn chủ động liên hệ với Thành đoàn Hà Nội và các nhóm sinh viên tình nguyện của các trường, hướng dẫn các cháu học sinh ở vùng sâu, vùng xa, từ các tỉnh khác, có hoàn cảnh khó khăn tìm đến nhà cô để sớm ổn định nơi ăn nghỉ, sẵn sàng “vượt vũ môn”. Đỉnh điểm có lúc nhà có hơn 40 em học sinh đến ở nhờ, cô phải dành cả cầu thang để chứa đồ đạc cho các em có chỗ ngủ.

Mấy năm gần đây, cô phát hiện mình mắc bệnh ung thư, hình thức thi thay đổi nên học sinh cũng không tìm đến đây nhiều nữa nhưng nếu có cô vẫn rất vui vẻ chào đón, bởi cô suy nghĩ giúp được một người cũng là giúp cho chính mình, nhìn các em học sinh có chỗ ăn ngủ, ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi mang tính “bước ngoặt lớn”, cô cảm thấy hạnh phúc mà cũng dần quên đi nỗi buồn bệnh tật. “Cô muốn mình là một viên gạch đóng góp vào bức tường hoa của xã hội”, cô Bích chia sẻ.

Người phụ nữ ung thư, nhà ở phố cổ, 10 năm cho sĩ tử thi Đại học ở trọ miễn phí: Giờ thay đổi thi cử, chẳng còn thí sinh ở xa đến nữa, cô cũng buồn - Ảnh 2.

(Ảnh: Quang Huy)

Có những bạn thí sinh còn gọi cô là mẹ và giữ liên lạc đến tận bây giờ

Cô Bích xúc động kể về những kỉ niệm mà cô đã trải qua trong những ngày các em học sinh đến đây xin ở nhờ. Nhưng có một trường hợp mà cô nhớ mãi, đó là mùa thi Đại học cách đây mấy năm. Khoảng 5 giờ sáng, cô Bích mở cửa đi tập thể dục thì thấy một bà cụ gầy guộc, bên cạnh là một thanh niên ngồi ngủ gục trước hiên nhà. Thấy cô, bà lão ôm chầm lấy và khẩn khoản: “Chị ơi, chị có phải là chị Bích không? Chị cho mẹ con tôi ở nhờ để cháu thi vào Trường Đại học Xây dựng, chứ giữa chốn thành thị phố xá thế này, mẹ con tôi ở quê ra không biết chỗ nào mà nhờ vả”

Sau này cô mới biết người phụ nữ đó tên Bùi Thị Loan, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là cựu thanh niên xung phong, bị nhiễm chất độc da cam. Cuộc sống chân lấm tay bùn lam lũ, nên mới chỉ có 58 tuổi mà bà già hơn nhiều so với tuổi. Sau kỳ thi, người phụ nữ lam lũ ấy giúi vội vào tay cô Bích hai triệu vay mượn được ở quê, gọi là món quà cảm ơn cô đã cho hai mẹ con ở nhờ. Cô Bích từ chối mãi không được, nên nhận năm trăm nghìn nhưng rồi cũng gửi lại cho hai mẹ con có tiền đi đường.

“Những bạn tìm đến nhà cô thường là những em học sinh có gia cảnh đặc biệt khó khăn, có bạn lên Hà Nội dự thi sau khi thi xong liền mang một túi đỗ đen đến cảm ơn cô.” Nói đến đây, cô rơm rớm nước mắt. “Không phải cô chê món quà đó nhỏ hay rẻ tiền, lúc nhìn thấy em học sinh gầy gò, xanh xao tay xách túi đỗ đen đến, nhìn các con sao mà khổ quá, lúc đó cô chỉ muốn mình có thể giúp đỡ thêm được thật nhiều người nghèo khổ, giúp các con có điều kiện thật tốt để “vượt vũ môn” thay đổi cuộc đời!”.

Có một bạn học sinh ở Thái Bình, sau khi thi xong thì mang đến tặng cô một bức thư pháp đề chữ “Mẹ”. Cô có hỏi bạn ấy tại sao lại viết chữ “Mẹ” thì bạn ấy bảo rằng “Con ở đây rất ít thời gian, chỉ có mấy ngày thôi, nhưng mà con cảm thấy cô giống như mẹ của mình vậy. Con không biết thể hiện sự biết ơn của mình như thế nào nên con đã đặt tình cảm mình vào bức thư pháp này, con cảm ơn và gia đình đã tạo điều kiện cho con ở đây!”. Sau đó bạn ấy về quê, một thời gian thì điện lại cho cô bảo là bạn ấy không đủ điểm đỗ Đại học nhưng sẽ học Cao đẳng, sau này học liên thông lên vì không thể phụ sự giúp đỡ, quan tâm của cô và gia đình được.

Ngoài ra, tất cả các bạn ở đây sau khi thi xong đều quay trở lại đây, nhiều bạn còn xin gọi cô là mẹ. “Nhờ có mẹ mà con mới biết được cuộc sống này có thật nhiều người tốt, con không phải máu mủ, họ hàng mà chỉ đến đây ở nhờ mà mẹ vẫn hết lòng quan tâm,chăm sóc, thời gian ở đây tuy ngắn nhưng những kỷ niệm và việc làm của mẹ khiến con cảm thấy cảm kích vô cùng, con cảm ơn mẹ, cảm ơn tình thương của mẹ!”, cô Bích thuật lại lời tâm sự của một bạn học sinh.

Người phụ nữ ung thư, nhà ở phố cổ, 10 năm cho sĩ tử thi Đại học ở trọ miễn phí: Giờ thay đổi thi cử, chẳng còn thí sinh ở xa đến nữa, cô cũng buồn - Ảnh 3.

Cô Bích không ngăn nổi nước mắt khi nhắc lại hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh đến nhà cô xin ở trọ. (Ảnh: Quang Huy)

Trong suốt cuộc nói chuyện cô Bích không ngừng nói về sự sẻ chia, cô mong muốn rằng những việc tốt đẹp sẽ luôn được nhân rộng. Có lẽ đã rất lâu chúng tôi mới bước đến một ngôi nhà ấm áp như vậy, một ngôi nhà đầy ắp tình người với những con người tốt bụng, đôn đậu.

Nhìn cô đã thấm mệt bởi sức khoẻ có phần không được tốt, chúng tôi cảm ơn và nói lời tạm biệt cô Bích. Vẫn nụ cười với ánh nhìn hiền từ như từ giây phút đầu tiên gặp cô, cô Bích tiễn chúng tôi đến tận cửa, không quên dặn dò: “Trời nắng lắm về sớm nghỉ ngơi và cố gắng học tập, làm việc thật tốt các con nhé!”.