Trong thời đại của smartphone, những chiếc máy nhắn tin dần trở nên lỗi thời và bị thay thế, nhưng ký ức về nó vẫn sẽ còn đọng lại trong tâm trí của những người đã tứng sống trong thời khắc hoàng kim của thiết bị công nghệ thú vị này.
Hôm 29/9, có một đám tang đặc biệt diễn ra tại nhà ga Akihabara ở Nhật Bản. Chủ đề của nó là ‘Lòng biết ơn’ và đối tượng của buổi tưởng niệm là thứ đã có 50 năm lịch sử – một chiếc máy nhắn tin.
Bởi cuối tháng 9 vừa qua, công ty Tokyo Telemessage, nhà cung ứng máy nhắn tin duy nhất còn lại ở Nhật Bản, đã chính thức khai tử dịch vụ đã tồn tại suốt 50 năm của mình. Đây cũng là dấu chấm hết cho thời đại của những người thường sử dụng các con số để truyền đạt cảm xúc.
Đám tang của “máy nhắn tin”.
Trong cuộc sống đương đại, mọi người sử dụng điện thoại di động để liên lạc với nhau. Hành vi này đã dần trở thành các kỹ năng xã hội cơ bản – nhấp để mở ứng dụng, nhập tin nhắn, nhấp lần nữa để gửi và chờ trả lời. Ngày nay, khi mạng 3G rồi 4G phát triển cùng với các ứng dụng nhắn tin hiện đại, việc nhắn tin ngày càng trở nên phong phú, đa dạng dưới nhiều hình thức hơn, khi kết hợp với hình ảnh, video, meme…
Nhưng vào cuối những năm 1990, những người ở quá xa nhau mà muốn giao tiếp thì chỉ có thể dựa vào máy nhắn tin. Họ phải học cách đưa cảm xúc vào những con số trên màn hình đen trắng. Riêng ở Nhật Bản, từ năm 1968 đã có một dịch vụ cho máy nhắn tin, nhưng nó không được phổ biến. Mãi đến năm 1987, máy nhắn tin mới bắt đầu có khả năng gửi số. Đây cũng là khi phương thức giao tiếp vụng về này bắt đầu được sử dụng rộng rãi.
Khi đó, cách gửi thông tin bằng máy nhắn tin khá cơ bản và vô cùng đơn giản. Lúc đầu, chức năng của máy nhắn tin bị giới hạn trong việc nhận thông tin và không thể gửi tin đi được. Để gửi tin nhắn đến máy nhắn tin, bạn phải sử dụng điện thoại cố định và chỉ có thể gửi số hoặc một chuỗi số.
Vào thời đó, quá trình gửi tin nhắn sẽ như sau: tìm điện thoại cố định hoặc điện thoại công cộng, chuyển đổi ngôn ngữ thành số, nhập vào bằng bàn phím số, gửi cho bên kia và sau đó nhập thời gian mình có thể chờ đợi bao lâu để được trả lời.
Bảng chuyển đổi ngôn ngữ từ tiếng Nhật sang số, cho máy nhắn tin.
Với một số ngôn ngữ phức tạp như tiếng Nhật, để chuyển chúng thành số, cần có một “bảng biến đổi” riêng dành cho máy nhắn tin. Và quá trình nhập liệu cần chậm rãi và cẩn thận, vì nếu gửi nhầm một số, nghĩa của toàn bộ câu sẽ trở nên méo mó và khó hiểu. Ngược lại, có một vài bộ số mang ý nghĩa thay cho cả câu như: 0840 – Chào buổi sáng; 0833 – Chúc ngủ ngon; 3470 – Tạm biệt; 724106 – Bạn đang làm gì?
Kể từ năm 1990, số lượng máy nhắn tin ở Nhật đã tăng lên chóng mặt, đạt hơn 10 triệu thiết bị vào thời hoàng kim. Giống như trà sữa trân châu ngày nay ở Nhật Bản rất được ưa thích bởi các nữ sinh trung học, máy nhắn tin cũng là món đồ công nghệ ưa thích của các cô gái trẻ lúc bấy giờ. Họ rất thích sử dụng máy nhắn tin để gửi thông tin cho nhau, với bạn bè hoặc người yêu. Việc này cũng tạo ra một cảnh tượng kỳ lạ chỉ thuộc về thời đại xưa cũ, đó là cảnh nữ sinh trung học xếp hàng trước điện thoại công cộng và sau đó bắt đầu lẩm nhẩm những con số khó hiểu.
Đây cũng được coi là một trong những nét lãng mạn của tình yêu trong thời đại đó. Họ nhập những con số dài để biểu hiện tình cảm của mình, sau đó chờ đợi máy nhắn tin của mình đổ chuông.
Thậm chí, trong một số tạp chí, sẽ có những cột riêng dành cho việc “Tìm bạn qua máy nhắn tin”. Mọi người sẽ đăng số máy nhắn tin của mình lên cùng lời giới thiệu và kỳ vọng nhận được tin nhắn từ hàng trăm số khác nhau. Một số người sau đó đã trở thành bạn bè, thậm chí người yêu. Nhưng đôi khi, bạn sẽ không biết người gửi thông tin cho mình là ai, và làm sao để có thể gặp mặt tương tác. Bởi tất cả mọi thứ chỉ dựa trên một chuỗi số.
Có một câu chuyện nổi tiếng về máy nhắn tin rằng: Một anh chàng nhận được tin nhắn từ một số lạ: “Bạn có muốn trở thành một ‘người bạn nhắn tin’ không?”. Mặc dù không trả lời, nhưng người lạ mặt này vẫn gửi tin nhắn tới mỗi ngày, đôi khi đó là ‘thời tiết hôm nay rất tốt’, hay ‘tôi đang đi dạo’. Qua cuộc trao đổi đơn phương này, hai người đã tạo ra một tình bạn hết sức tinh tế.
Nhưng mối quan hệ này nhanh chóng kết thúc. Một ngày nọ, anh nhận được bốn tin nhắn liên tiếp: ‘Ngày mai là ngày phẫu thuật’; ‘Tôi phải nhập viện vì tôi bị bệnh’; ‘Có thể không lâu nữa’; ‘ Nếu không có gì xảy ra sau ca phẫu thuật thì sẽ liên lạc lại’. Và rồi, tin nhắn từ số điện thoại lạ này không bao giờ vang lên nữa.
Sau này, với sự tiến bộ của công nghệ, các dòng máy nhắn tin mới đã có thể gửi văn bản và trở nên thuận tiện hơn. Nhưng điều kỳ lạ là những người sử dụng máy nhắn tin vẫn có thói quen tiếp tục sử dụng những chuỗi số. Bởi dường như khi đối mặt với những dòng “mật khẩu” này, họ vẫn sẽ nhanh chóng nhận ra ý nghĩa của chúng, trân trọng chúng hơn.
Từng có người nói rằng quá trình này phần nào thể hiện sự tuyệt vọng trong việc thể hiện cảm xúc khi giao tiếp, đồng thời phản ánh sự cô đơn sâu sắc của những người trẻ tuổi. Nhưng sự cô đơn của thời đại máy nhắn tin và sự cô đơn của thời đại điện thoại di động là khác nhau. Máy nhắn tin mang lại cảm giác mất mát, bởi vì mong muốn gặp gỡ thường khó thỏa mãn. Còn trong thời đại điện thoại di động, thiết bị này chỉ là một công cụ và sự cô đơn đến từ việc mọi người thực sự không muốn gặp gỡ nhau mà chỉ giao tiếp thông qua nó.
Đối với những người trẻ tuổi, sử dụng điện thoại di động như một bộ phận cơ thể của chính họ kể từ khi sinh ra, thì dường như sự cô đơn nằm trong trái tim của họ hơn là việc không thể chia sẻ cảm xúc trong mối quan hệ bạn bè. Điện thoại làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, là chỗ dựa quan trọng để duy trì mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Nhưng nỗ lực hiện tại của mọi người lại là để theo kịp bạn bè của họ, bởi nếu bị bỏ lỡ cũng đại biểu cho việc họ bị xa lánh, cô đơn.
Nhưng với sự ra đời của điện thoại di động, thị trường máy nhắn tin đã nhanh chóng suy giảm chỉ trong thời gian ngắn. Sau vài năm, nó gần như biến mất khỏi thị trường. Ngay lập tức, một số nhà khai thác cung cấp dịch vụ máy nhắn tin đã ngừng hoạt động. Từ năm 2007 tới 2017, gần như tất cả các nhà cung cấp đã biến mất. Tokyo Telemessage nói trên là công ty duy nhất còn sót lại, cung cấp dịch vụ cho khoảng 1.500 người từ năm 2013.
Trên hình là Fujikura, một người vẫn sử dụng máy nhắn tin cho tới tháng trước. Hơn 30 năm trước, mẹ của Fujikura đã cho ông một chiếc máy nhắn tin. Ông thường sử dụng nó để nói chuyện với người lạ, cho đến cuối những năm 1990, khi điện thoại di động bắt đầu xuất hiện. Càng ngày, ông càng thấy có ít người sử dụng thiết bị này và nhiều năm gần đây, ông không thấy ai ngoài mình sử dụng nó nữa.
Fujikura hiện sử dụng máy nhắn tin chỉ để liên lạc với mẹ. Mẹ ông đã ngoài 80 tuổi và sống gần đó. Lý do không chuyển qua dùng điện thoại thông minh là vì bà chỉ nhớ mỗi số máy nhắn tin của ông. Miễn là máy nhắn tin còn đổ chuông, ông có thể biết tin tức từ mẹ mình. Nhưng giờ thì nó không còn hoạt động nữa.
Trong “đám tang” diễn ra vào ngày 29/9 vừa qua, những người tham dự đã tỏ lòng tôn kính với những chiếc máy nhắn tin bằng cách đồng loạt nhắn chuỗi số “1141064”. Đây là một trong những câu được sử dụng phổ biến nhất trong kỷ nguyên của máy nhắn tin. Ý nghĩa của nó khi chuyển đổi sang tiếng Nhật có nghĩa là “Yêu”. Anh yêu em. Tôi yêu bạn. Đây cũng là thông điệp cuối cùng mà thiết bị này đã chuyển đi, trong năm 2019.
Tham khảo Excite, Sina