Trong cái giá lạnh tê tái của Hà Nội thời điểm này, họ đi ủng dài, bịt khăn, khoác bên ngoài chiếc áo mỏng tang. Gần số nửa trong số những người lao động mà chúng tôi gặp là phụ nữ. Họ “gan lì”, chịu khó, có những ngày 11 độ C vẫn không chịu nghỉ. Cả tháng 30 ngày chưa ngày nào vắng mặt chốn bán hàng.
Thời điểm này, Hà Nội như một chiếc “tủ lạnh” khổng lồ. Nền nhiệt giảm mạnh còn 11 – 14 độ C khiến cái lạnh càng thêm tê tái. Nhiều người dân Thủ đô hạn chế ra đường nếu không có việc gì quá quan trọng. Tuy nhiên, với những người lao động nghèo, họ không có sự lựa chọn. Vì miếng cơm manh áo, nên dù nắng hay mưa, rét buốt hay nóng bức, những bước chân lặng thầm vẫn vất vả mưu sinh giữa phố.
Đài báo không khí lạnh mạnh tiếp tục gây rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao dưới 3 độ. Từ nay đến khoảng ngày 4/1/2019 Hà Nội trời rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong đêm phổ biến 8-11 độ. Với những người lao động “không có kì nghỉ lễ”, đó là những ngày gian nan buộc phải vượt qua.
Họ chọn không về quê và ở lại Thủ đô, gọi là “tranh thủ” cho những ngày cuối năm. Khi mà 4 – 5h sáng, rét buốt, đã phải lóc cóc chuẩn bị hàng hoá, rồi tranh thủ đạp xe xuống phố. Có người đi xe máy, “sang” hơn một chút, bởi vì công việc có phần nặng hơn. Lọ mọ đi khắp phố cổ tới 11h đêm, những gánh hàng rong – đại diện cho những người lao động nghèo, mới lại về nhà nghỉ ngơi. Khi ấy, cơ thể gần như tê cứng, manh áo họ mang không đủ “đối phó” với sự “ngang bướng” của thời tiết.
Càng về đêm, trời càng lạnh buốt. Trong cái giá lạnh tê tái, họ đi ủng dài, bịt khăn, khoác bên ngoài chiếc áo mỏng tang. Gần số nửa trong số những người lao động mà chúng tôi gặp là phụ nữ. Họ “gan lì”, chịu khó, có những ngày 11 độ C vẫn không chịu nghỉ. Cả tháng 30 ngày chưa ngày nào vắng mặt chốn bán hàng.
Chú đạp xích lô ra đường với áo khoác ấm, chiếc khăn choàng cổ và mũ lưỡi trai. Ấy thế mà, tầm trưa có mưa rả rích, chú vẫn run lên mấy hồi vì rét quá.
Người xứng đáng nhận danh hiệu “dũng cảm” nhất mùa này, chính là cô bán đá ở khu phố cổ. Mỗi túi đá chỉ 5kg cũng đủ khiến đôi bàn tay trở nên tê tái.
Ông cụ sửa chữa giày dép đầu ngõ Cầu Gỗ. Lạnh quá, ông ngồi co ro một chỗ đợi khách. Thời tiết này, người ta ngại ra đường lắm, ông cũng thưa khách hơn mọi khi.
Tranh thủ chưa có khách, bác bán rau chợp mắt ngay giữa sạp hàng.
Phần lớn những người lao động mà chúng tôi gặp trên phố là phụ nữ. Họ nhiều lứa tuổi, nhưng đều chung một tinh thần “gan lì” trước sự ngang bướng của thời tiết.
Gánh hàng rong “lạc lõng” trên phố, chấp nhận cái rét cắt da cắt thịt để “tranh thủ” chạy bữa cuối năm.
Gió thổi từ hồ Gươm khiến cụ ông ngồi run run một góc. Chiếc cân ông để trước mặt, đợi khách đi qua nếu có nhã ý sẽ ghé vào.
Quán trà đá bên vỉa hè phố Cầu Gỗ. Thời tiết này, người ta thích nhâm nhi một cốc trà nóng ấm, để có thể xoay xoay, xuýt xoa trong lòng bàn tay.
Những bước chân không có kì nghỉ, mải miết xuống phố mưu sinh.
Trời thì lạnh lắm, ai cũng ngại ra đường, trừ những người lao động nghèo.
Họ không có nhiều sự lựa chọn. Đương nhiên miếng cơm manh áo chính là thứ động lực bất tận giúp họ đối phó với cái rét thấu da của Hà Nội thời điểm này.
Cả tháng 30 ngày chưa ngày nào họ vắng mặt chốn bán hàng.