Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, nghề chạm bạc truyền thống với hàng trăm năm tuổi của người Dao Tiền đang dần mai một. Hiện nay, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lý Phú Cát ở xã Quang Thành (Nguyên Bình) vẫn miệt mài duy trì nghề với tâm nguyện “gìn giữ và lưu truyền tinh hoa văn hóa truyền thống”.
Nghệ nhân Lý Phú Cát chế tác hoa văn truyền thống trên trang sức bạc. |
Bên chiếc bàn cũ kỹ với đủ thứ đồ nghề để tạo ra những sản phẩm bạc thủ công truyền thống, nghệ nhân Lý Phú Cát ngày ngày gắn bó với công việc chế tác không chỉ đơn giản bởi thu nhập mà sâu xa hơn là muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông. Năm nay gần 60 tuổi, ông có hơn 40 năm gắn bó với nghề chạm bạc.
Ông Cát cho biết: Được tiếp xúc với nghề chạm bạc từ khi còn nhỏ, tôi rất hứng thú khi xem ông nội và bố thực hiện chế tác các sản phẩm bằng bạc. Những ngày đầu cầm búa, đôi tay lóng ngóng không thể điều khiển theo ý mình, khiến miếng bạc nguyên vẹn bị hỏng, sau khi được chỉ dạy và bản thân luôn kiên trì thực hành hằng ngày nên càng làm càng say mê, càng sai càng muốn sửa. Cứ thế tôi học hỏi để tạo những sản phẩm bạc truyền thống hoàn chỉnh và sáng tạo ra các sản phẩm của riêng mình. Đến nay, chỉ cần nghe ý tưởng của khách hàng hoặc từ ý tưởng của bản thân, tôi tính được cần bao nhiêu nguyên liệu, thời gian, hình khối, hoa văn… để làm nên một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh.
Để thuận tiện cho việc chế tác, ông chuyển ra khỏi làng và tự dựng một căn nhà nhỏ giữa núi rừng yên tĩnh để làm nghề chạm bạc. Vì tay nghề của ông rất tốt, có tiếng ở địa phương nên những năm qua, ngôi nhà nhỏ giữa rừng của ông luôn nhộn nhịp khách ra vào đặt hàng, sửa chữa các sản phẩm hoặc đến nghiên cứu, tìm hiểu về nghề chạm bạc.
Nghề chạm bạc đòi hỏi kỹ thuật tinh vi, tỉ mỉ nên hiện nay rất ít người học được nghề, để học nghề nhanh phải mất gần 3 năm, bình thường là 5 năm mới học xong những bước kỹ thuật sơ đẳng bởi ngoài các kỹ năng cần thiết, người thợ còn phải thể hiện sức sáng tạo của mình trên các sản phẩm chế tác, do vậy nhiều người không có sự kiên trì để theo nghề chạm bạc. Mong các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để các nghệ nhân như ông Cát được thỏa sức chế tác các sản phẩm chạm bạc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề chạm bạc truyền thống mãi trường tồn với thời gian.
Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/Nguoi-tot-viec-tot/Nguoi-giu-lua-nghe-truyen-thong/93211.bcb