Người dùng smartphone đã không còn hào hứng chờ đón các ứng dụng mới ra mắt nữa

Dữ liệu phân tích từ App Store cho thấy Elon Musk đã nhận định đúng. Người dùng hiện nay không còn hào hứng chờ đón để được dùng thử các ứng dụng mới nữa, thay vào đó họ ngày càng tải về nhiều hơn các ứng dụng đã có mức độ nổi tiếng nhất định.

Giám đốc công nghệ của Hulu, Eric Feng, chính là người đã chỉ ra sự khác biệt trong bảng xếp hạng ứng dụng giữa năm 2014 với thời điểm hiện tại.

Trước đó, Elon Musk từng đưa ra bình luận về Internet nói chung, thay vì nói cụ thể về các ứng dụng di động, như sau:

Tôi nghĩ hầu hết những thứ quan trọng trên Internet đã được xây dựng xong rồi. Sẽ tiếp tục có những cải tiến, chắc chắn, nhưng những vấn đề lớn của Internet về cơ bản đã được giải quyết”.

Về phía Eric Feng, sau khi bỏ ra hàng trăm giờ nghiên cứu API App Annie, đã cho biết điều tương tự cũng đúng với các ứng dụng iOS.

Dù sự thống trị không thể chối cãi của các công ty đã có tiếng tăm hiện nay chắc chắn là một rào cản lớn đối với bất kỳ startup nào, một rào cản thậm chí còn đáng sợ hơn chính là thứ mà mọi người trong ngành công nghệ – cả các startup lẫn các công ty đã thành danh – đều đang đồng lõa. Tất cả chúng ta đều đã khiến điện toán di động trở nên thực sự tốt…

Instagram biến những bức ảnh vớ vẩn trông đẹp hẳn lên, WhatsApp biến nhắn tin thành miễn phí, Waze giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi lái xe, Spotify khiến âm nhạc dễ tiếp cận hơn và có thể nghe theo nhu cầu, Netflix và Hulu làm điều tương tự với phim ảnh và truyền hình… Đúng như Elon Musk đã nói, những vấn đề lớn nhất về mặt tiêu dùng của điện toán di động về cơ bản đã được giải quyết bởi các ứng dụng”.

Người dùng smartphone đã không còn hào hứng chờ đón các ứng dụng mới ra mắt nữa - Ảnh 1.

Bằng chứng mà anh này đưa ra nằm ở hai chỉ số. Đầu tiên, số lượng download mỗi tuần mà một ứng dụng cần đạt được để lọt vào top 30 ứng dụng phổ biến nhất không thay đổi nhiều trong vòng 5 năm trở lại đây. Dù ở năm 2014 hay 2019, bạn cũng chỉ cần khoảng 230.000 lượt download mỗi tuần là đạt yêu cầu.

Nhưng chỉ số thứ hai là độ tuổi trung bình của các ứng dụng trong top 30 đó.

Vào năm 2014, trung bình một ứng dụng trong top 30 trước đó đã có mặt trên App Store khoảng 625 ngày (tức chưa đầy 2 năm tuổi). Ngày nay, con số này đã tăng lên 1.853 ngày, tức hơn 5 năm tuổi.

Vậy nên dù rằng số lượt download của các ứng dụng trong top 30 ứng dụng phổ biến là như nhau, nhưng người dùng lại chọn download những ứng dụng đã có tiếng, tồn tại đã lâu (khoảng hơn 5 năm) chứ không phải những ứng dụng mới mẻ, vừa ra mắt (chưa đầy 2 năm) như họ vẫn làm hồi năm 2014. Những ứng dụng cũ mới là thứ phổ biến và có nhu cầu người dùng cao, không phải là những ứng dụng mới, và xu hướng này không hề tốt đối với các startup tiêu dùng. Và xu hướng này cũng đúng với các ứng dụng Android trên cửa hàng Google Play, nơi độ tuổi trung bình của một ứng dụng trong top 30 mỗi tuần đã tăng từ 18 tháng trong năm 2014 lên gần 4 năm trong năm 2019.”

Trò chơi là một ngoại lệ: 85% các trò chơi trong Top 30 chỉ có tuổi đời chưa đầy 2 năm, bởi hầu hết các tựa game chỉ làm chúng ta thấy thỏa mãn trong một thời gian có hạn trước khi chúng ta muốn một thứ mới mẻ hơn.

Người dùng smartphone đã không còn hào hứng chờ đón các ứng dụng mới ra mắt nữa - Ảnh 2.

Ba bài học rút ra cho các nhà phát triển

Feng cho biết các nhà phát triển không nên vì thông tin này mà nhụt chí, nhưng họ cần ghi nhớ một trong ba bài học dưới đây.

Đầu tiên, phải biết chấp nhận. Bạn vẫn có thể kiếm bộn tiền mà chẳng cần ứng dụng phải có mặt trong Top 30.

Thứ hai, phải biết tránh né. Nếu thị trường ứng dụng di động có tính cạnh tranh quá cao, vẫn còn những nền tảng khác – từ những thứ cổ điển như phần mở rộng cho trình duyệt, đến những thứ mới mẻ hơn như các kỹ năng cho trợ lý giọng nói Alexa chẳng hạn.

Thứ ba, không ngừng chiến đấu. Sự thử thách của thị trường ngày càng gay gắt hơn, nhưng những doanh nhân thành công thường là những người không e ngại điều đó.

Ngoài ra, có lẽ còn một bài học thứ tư cũng rất đáng suy ngẫm: tập trung vào những ứng dụng mà người dùng sẽ sẵn lòng trả thêm tiền ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với doanh số thấp hơn đôi chút. Dù số lượt download trên App Store thời gian qua đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015, nhưng doanh thu vẫn tiếp tục tăng nhờ số tiền trung bình mà người dùng bỏ ra cho mỗi lần download tăng đến 21% so với cùng kỳ năm trước!

Tham khảo: 9to5mac