Người đoàn viên ANH HÙNG trên vùng đất ANH HÙNG

Ở Trà Vinh, không ít đoàn viên thanh niên đã hy sinh vì sự nghiệp chung của dân tộc – tiêu biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Nhâm.

Khuôn viên Trường THPT Hồ Thị Nhâm (xã Nhị Long, huyện Càng Long). Ảnh: ANH KHOA

Trong lịch sử 92 năm hoạt động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xứng đáng là đội hậu bị, là cánh tay phải của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều đoàn viên ưu tú đã dũng cảm chiến đấu với kẻ thù, nêu gương sáng cho thanh niên và nhân dân như Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng… Ở Trà Vinh, không ít đoàn viên thanh niên đã hy sinh vì sự nghiệp chung của dân tộc – tiêu biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Nhâm.

Hồ Thị Nhâm tên thường dùng là Tám Nhâm, bí danh là Ngọc Đoàn, sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân nghèo, tại ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long, huyện Càng Long.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cha mẹ của chị Hồ Thị Nhâm đều tham gia công tác đoàn thể tại địa phương. Mùa thu năm 1949, Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã Nhị Long thực hiện chủ trương tịch thu ruộng đất của địa chủ, tạm giao, tạm cấp lại cho dân cày. Cũng như bao gia đình tá điền trước đây, nhờ đó, gia đình ông bà không còn cảnh làm thuê cấy mướn, được làm chủ trên mảnh đất của mình. Chính từ thực tiễn đó, chín anh chị em Hồ Thị Nhâm vừa lớn lên đã sớm ý thức tính chính nghĩa của kháng chiến và bản chất của dân, vì dân, do dân của chính quyền cách mạng.

Sau Đồng khởi 14/9/1960, xã Nhị Long được giải phóng và trở thành căn cứ đứng chân của nhiều cơ quan, đơn vị vũ trang cách mạng huyện Càng Long cũng như tỉnh Trà Vinh. Phong trào tòng quân diệt giặc được nam nữ thanh niên trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Hai người anh trai của Hồ Thị Nhâm vừa đến tuổi trưởng thành đã tham gia vào địa phương quân và gia đình chị được xóm làng vinh danh là gia đình có truyền thống cách mạng. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm của người con gái xinh đẹp Hồ Thị Nhâm trên quê hương Nhị Long anh hùng. Chị tham gia các phong trào cách mạng địa phương, vận động thanh thiếu niên trong ấp, trong xã làm nhiều việc tốt, ủng hộ bộ đội giải phóng.

Đường nông thôn xã Nhị Long, huyện Càng Long – nơi sinh ra nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Nhâm (Trong ảnh: Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh khảo sát tình hình XDNTM trên địa bàn xã Nhị Long, huyện Càng Long). Ảnh: KIM LOAN

Tháng 02/1967, sau khi anh người anh trai anh dũng hy sinh, chị Hồ Thị Nhâm chính thức thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng. Đầu tiên, chị tham gia công tác Phụ nữ xã rồi được chuyển sang tiểu đội du kích nữ, thuộc Xã đội Nhị Long. Cùng đồng đội, chiến sĩ du kích Hồ Thị Nhâm được điều đi chiến đấu nhiều trận, làm công tác vũ trang tuyên truyền tại huyện lỵ Càng Long, xã Bình Phú, Phương Thạnh…

Sau chiến thắng Xuân Mậu Thân, nhất là từ đầu năm 1969 trở đi, chính quyền Sài Gòn tiến hành những đợt hành quân phản kích quyết liệt. Vùng căn cứ Nhị Long cùng các xã cánh B trở thành trọng điểm bình định. Tại đây, một lữ đoàn lính Mỹ kết hợp với 2 trung đoàn chủ lực Sài Gòn, được sự yểm trợ của máy bay, pháo binh tàu chiến… tiến hành của càn quét dài ngày mang tính hủy diệt. Tại trận chiến không cân sức này, mẹ và một người anh trai của Hồ Thị Nhâm bị bắn chết. Trong những ngày tháng đau thương đó, Hồ Thị Nhâm càng hăng say công tác, bởi chị xác định rằng chỉ có chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giải phóng quê hương đất nước, đẩy lùi máu lửa chiến tranh thì những người dân như chị và cả các thế hệ con cháu sau này của chị mới vĩnh viễn được sống trong cảnh thanh bình, hạnh phúc.

Tháng 3/1970, chiến sĩ du kích Hồ Thị Nhâm được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và, không lâu sau đó, được bổ sung Chi đoàn Ủy viên xã Nhị Long.

Thời điểm này, song song với các cuộc hành quân lấn chiếm vào vùng giải phóng, địch đẩy mạnh thủ đoạn bình định, đánh phá cơ sở ta trong nội ô, vùng tạm chiếm. Phong trào cách mạng huyện lỵ Càng Long, gặp không ít khó khăn. Huyện ủy Càng Long quyết định điều chuyển một số cán bộ, chiến sĩ đã được thử thách trong chiến đấu từ các xã nông thôn vào tạo thế hợp pháp, công tác tại nội ô huyện lỵ. Trong số đó có nữ đoàn viên Hồ Thị Nhâm với bí danh Ngọc Đoàn.

Vào nội ô, chị được Huyện đoàn phân công là Chi đoàn ủy viên huyện lỵ, phụ trách du kích mật Khu vực I. Đây là thử thách lớn đối với người con gái vừa qua tuổi đôi mươi, vốn quen với môi trường sinh hoạt, công tác, chiến đấu ở vùng nông thôn rộng lớn, nay chuyển sang một địa bàn xa lạ, mà hệ thống kèm kẹp, trấn áp từ tề xã, tề ấp đến bảo an, dân vệ, cảnh sát, mật vụ, điệp báo… theo dõi, không chế đến từng hoạt động bình thường của người dân. Xác định là phải đối đầu với hiểm nguy, nhưng với tinh thần “đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên” và bản lĩnh thông minh, sáng tạo đã được rèn luyện trong thực tế chiến đấu, với vỏ bọc là cô thợ may “tỵ nạn” tản cư ra, Hồ Thị Nhâm đã bám được địa bàn, làm tốt công tác quần chúng, tạo được chỗ dựa từ chính sự chở che, đùm bọc của quần chúng nội ô.

Tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định  tăng thu nhập, tích cực tham gia xây dựng nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương (trong ảnh: Phụ nữ xã Nhị Long, huyện Càng Long đan sọt lục bình). Ảnh: KL

Với phương châm tổ chức các hoạt động vũ trang, góp phần căng kéo, kềm chân địch ngay tại chi khu, giảm bớt sự càn quét lấn chiếm ra các xã nông thôn giải phóng, Huyện ủy Càng Long chỉ đạo Chi bộ và du kích mật huyện lỵ điều nghiên, ra những đòn đánh chính xác. Thực hiện sự chỉ đạo đó, chiến sĩ du kích mật Hồ Thị Nhâm âm thầm theo dõi các quy luật hoạt động, đi lại của những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.

Đối với một chiến sĩ du kích mật hoạt động tại nội ô giai đoạn này không khác là bao so với các chiến sĩ biệt động thành, nghĩa là cũng lấy sự gan dạ, mưu trí, sáng tạo làm yếu tố tiên quyết, cộng với sự chở che, đùm bọc của quần chúng nhân dân mà tổ chức những trận đánh độc lập. Trong 02 năm (5/1970 – 5/1972), nữ chiến sĩ du kích mật Hồ Thị Nhâm đã tham gia 38 trận đánh lớn nhỏ, diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, góp phần tạo tâm lý thối động trong hàng ngũ kẻ thù ngay tại nội ô huyện lỵ Càng Long. Chỉ tính riêng trong năm tháng đầu của năm 1972, chị đã độc lập đánh 4 trận, diệt hơn 50 tên địch tại chi khu, tiêu biểu như:

Tháng 02/1972, tiểu khu Vĩnh Bình điều động các tiểu đoàn bảo an về tăng cường cho chi khu Càng Long nhằm ổn định nội ô huyện lỵ trước khi tập trung đánh phá ra vùng giải phóng. Nữ du kích mật Hồ Thị Nhâm chủ động điều nghiên quy luật hoạt động và chị phát hiện ra chúng vẫn lộ ra những điểm yếu mà ta có thể khai thác được.

Đúng thời điểm đó, Huyện đội Càng Long chỉ đạo Chi bộ huyện lỵ, tranh thủ lúc địch còn chân ướt chân ráo, ra đòn tiêu diệt chúng. Lấy cớ về thăm nhà, Hồ Thị Nhâm có mặt tại căn cứ Nhị Long để báo cáo tình hình, thống nhất phương án tác chiến và huấn luyện kỹ thuật đánh mìn. Ngày 19/02/1972, lúc hơn 7 giờ tối, một quả mìn phát nổ tại một quán nhậu cách căn cứ bảo an không hơn trăm thước, làm chết và bị thương hơn 20 tên, mà đa phần là bọn thám báo, mật vụ, cảnh sát…

Không đầy 03 tháng sau, Huyện đội Càng Long quyết định đánh bồi thêm trận nữa vào mục tiêu là chi khu. Nữ chiến sĩ du kích mật Hồ Thị Nhâm chọn phương án táo bạo nhất, không đánh ban đêm nữa mà đánh ngay giữa ban ngày, lúc mà bọn sĩ quan chủ quan nhất.

Đúng phương án, hơn 7 giờ sáng ngày 15/5/1972, khi đò Nhị Long vừa cập bến, trong vai cô gái vườn ra chợ bán trái cây, hòa vào dòng người mua bán, Hồ Thị Nhâm ung dung xách giỏ lên bờ, tiến về phía mục tiêu. Trên đường đi, chị đã mưu trí ba lần vượt qua sự kiểm soát của cảnh sát. Đến lần thứ tư, cách mục tiêu chừng ba chục thước, bốn viên cảnh sát ghìm súng chặn lại, hung hăng đòi lục soát cả người lẫn giỏ trái cây. Cả trung đội cảnh sát nghe báo động túa ra, vây lấy chị. Giờ mìn hẹn nổ đã cận kề. Một mình mình đổi lấy cả mấy chục tên địch đã là lời chán! – Chị thầm nghĩ nhưng nghiến răng chưa thể hành động vì chung quanh là khu dân cư khá sầm uất. Bất thần, chị ôm giỏ vụt chạy, kéo theo cả trung đội cảnh sát đuổi theo. Chỉ chờ có thế, khi ra tới quảng xóm vắng, chị chủ động đi chậm lại. Quả mìn phát nổ, hơn chục tên vừa chết vừa bị thương. Chị Hồ Thị Nhâm bị thương nặng và sau đó đã hy sinh tại nhà thương Vĩnh Bình.

Người nữ chiến sĩ du kích mật Hồ Ngọc Đoàn, người nữ đoàn viên ưu tú Hồ Thị Nhâm anh dũng hy sinh đã để lại tấm gương sáng trong lòng nhân dân Trà Vinh, nhất là các thế hệ đoàn viên thanh niên về tình yêu nước nồng nàn và tinh thần kiên quyết chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng. Những chiến công vang dội của chị đã góp phần xứng đáng tô thắm truyền thống quê hương Nhị Long hai lần anh hùng cũng như huyện lỵ Càng Long (nay là thị trấn Càng Long) anh hùng.

Nhạc sĩ Huỳnh Thanh Hải đã ngợi ca những chiến công bất tử của người nữ chiến sĩ 25 tuổi đời, 06 tuổi quân ấy bằng những âm hưởng hào hùng mà da diết: “Ai về Trà Vinh, có nghe tiếng mìn của Hồ Thị Nhâm. Tiếng nổ còn vang huyện lỵ Càng Long…”.

Ngày 06/11/1976, nữ liệt sĩ du kích mật Càng Long Hồ Thị Nhâm được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

CHÂU XUÂN THIỆN 

Nguồn Báo Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/nguoi-doan-vien-anh-hung-tren-vung-dat-anh-hung-27638.html