ava XH
Rổ rá cạp lại, họ cất một ngôi nhà tạm trên cao, gồng mình dốc cạn vốn liếng chăm bẵm rẫy cà phê chờ ngày quả ngọt đơm hoa. Nhưng khi cà phê còn chưa kịp lớn, tính mạng người vợ đã ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
“Sao tay cô ấy lạnh thế này anh ơi, mới hôm qua còn thấy ấm lắm mà…” – anh Nguyễn Hữu Thọ (43 tuổi, quê Đắk Nông) thốt lên trong giờ thăm nuôi ngắn ngủi tại khoa Hồi sức cấp cứu. Căn phòng ICU vang lên tiếng tít tít tít… liên hồi. Bên chiếc giường nằm gọn trong một góc nhỏ, chị Tô Thị Thắm (44 tuổi) đang hôn mê sâu.
Chị Tô Thị Thắm.
Buổi hái tiêu định mệnh
Đúng 1 tuần rồi, từ cái ngày xảy ra sự việc. Anh Thọ khẽ lấy tay chạm nhẹ vào tóc, rồi trán vợ. Chị Thắm vẫn lặng yên trong vô thức. Tiếng máy thở lại vang lên dập dồn. Không ngờ mới có mấy ngày, vợ anh lại ra nông nỗi thế này.
Người chồng để con 9 tháng tuổi ở quê, tuyệt vọng tìm 200 triệu cứu vợ bị ong đốt nguy kịch
“Tôi và cô ấy ai cũng một lần dang dở, đều có một đứa con riêng 13 tuổi với người cũ. Một lần, tôi lên Sài Gòn có việc rồi vô tình quen cô ấy khi làm ở đây. Chắc là đồng cảnh ngộ nên chúng tôi yêu nhanh nhanh lắm” – anh Thọ kể.
Rồi họ dắt nhau về quê, vừa dành dụm tiền, vừa mượn một ít để cất một ngôi nhà nhỏ trên rẫy. Chẳng bao lâu, chị Thắm sinh một bé trai kháu khỉnh cho chồng.
Bệnh nhân hiện còn hôn mê sâu.
Có mấy sào ruộng gò, anh Thọ vay tiền ngân hàng, dốc cạn vốn liếng đầu tư trồng cà phê. Anh định bụng khi đến ngày thu hoạch, nếu may mắn trúng mùa thì cuộc sống của anh và hai mẹ con cũng đỡ vất vả phần nào.
Trong thời gian này họ đi làm mướn cầm cự, hễ ai kêu gì thì làm đó. Tháng 2 là mùa thu hoạch tiêu, hai vợ chồng lại thay phiên nhau vừa chăm con, vừa lên rẫy.
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Bình thường vợ tôi chủ yếu ở nhà trông con cho tôi đi làm. Hôm đó chủ vườn đang nợ 3 công, cô ấy nói thôi để em đi hái tiêu với các chị em cho vui, rồi sẵn lấy tiền luôn để còn mua dầu chạy máy bơm nước tưới cà phê. Nếu tôi cản không cho đi thì sự thể đâu ra thế này…” – người chồng ân hận thuật lại lời của những người chứng kiến sự việc.
Khi chị Thắm bước lên những nấc thang cao nhấc thì bất ngờ phát hiện một tổ ong. Chưa kịp phòng bị, người phụ nữ đã bị đốt túi bụi và tụt xuống theo quán tính.
Người chồng kể lại sự việc.
Tưởng ngồi nghỉ một chút sẽ khỏe nhưng khi vừa đứng dậy, người phụ nữ ngay lập tức khuỵu đi.
Những ngày qua chỉ mình anh Thọ lo cho chị Thắm.
Thấy vợ về đến nhà sùi bọt mép trắng xóa, anh Thọ liền sơ cứu móc đàm nhớt. Khi cởi chiếc quần lao động bên ngoài ra, người chồng hoảng hốt phát hiện vợ đã không thể tự chủ bản thân, đã đại tiện từ lúc nào.
Biết tình thế nguy cấp, anh hô hoán để người nhà cùng hỗ trợ đưa đến trạm y tế xã. Tại đây sau khi được trợ tim khẩn cấp, nạn nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị.
Tuy nhiên, tình hình ngày một nặng nề, huyết áp bệnh nhân rất thấp, khó thở nhiều, tím tái.
Người vợ phải chạy ECMO những ngày qua.
Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân được hồi sức, nâng huyết áp, đặt ống thở và chuyển lên TP.HCM điều trị vào chiều 18.2.
“Vợ tỉnh đi, con trai chúng ta đang chờ”
Bác sĩ Nguyễn Bá Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông tin, khi được đưa vào khoa Cấp cứu tình trạng bệnh nhân rất nặng, tri giác lơ mơ, ô xy máu giảm, tổn thương phổi tiến triển, suy gan thận.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chuyển lên khoa Nhiệt đới với chẩn đoán choáng phản vệ do ong đốt, biến chứng tổn thương phổi, suy đa cơ quan.
Bác sĩ thông tin tình trạng bệnh nhân.
Bệnh nhân tiếp tục được hỗ trợ phổi, dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, dùng thuốc chống phản vệ nhưng bệnh diễn tiến ngày càng nặng, oxy máu giảm thấp.
Trước tình thế đã nguy kịch tính mạng, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để thực hiện phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Viện phí đến nay đã gần 200 triệu đồng.
“1 tiếng sau khi kết nối với máy, tình trạng oxy máu, huyết áp bệnh nhân có cải thiện. Sau 3 ngày chạy ECMO, bệnh nhân chuyển biến tích cực, tim, mạch phổi và các cơ quan khác phục hồi.
Dự kiến tùy tình trạng lâm sàng, bệnh nhân sẽ được cai máy thở và hệ thống ECMO từ 7-10 ngày. Nhờ làm ECMO kịp thời nên chị Thắm sẽ không để lại di chứng gì ở các cơ quan” – Bác sĩ Duy nói.
Đại diện phòng Công tác xã hội của bệnh viện cho biết, chi phí điều trị cho bệnh nhân đến nay đã 175 triệu đồng, trong đó nhiều nhất là ở phần chạy ECMO.
Người chồng đã không còn khả năng lo tiền cho vợ.
Dù bệnh nhân có bảo hiểm hộ nghèo nhưng phần thuốc và thiết bị ngoài danh mục bảo hiểm là rất lớn. Đến nay, người nhà bệnh nhân đã tạm ứng 74 triệu đồng.
Anh Thọ đếm ngược từng ngày, chờ vợ xuất viện.
Anh Thọ cho biết, vì thấy hoàn cảnh của vợ chồng anh quá khó khăn nên các bác sĩ tại khoa ICU, bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng nhau quyên góp, hỗ trợ vợ chồng anh số tiền là 23 triệu đồng. Số tiền tạm ứng còn lại, anh Thọ cũng vay mượn từ bà con, dòng họ để đóng, vì mọi vốn liếng đã dồn hết vào 5 sào cà phê.
Một tuần qua vì một lo cho vợ ở Sài Gòn, con trai 9 tháng tuổi của hai vợ chồng đã được đem gửi cho người em họ.
“6 ngày qua tôi chưa về gặp con. Trước đó con tôi bị tiêu chảy 1 tuần sụt 1.3kg, vừa hết xong thì đến phiên vợ gặp nạn.
Nhưng không biết ngày ấy đến bao giờ.
Vợ không tỉnh từ bữa đến giờ, có 1-2 lần tôi thấy nhấp nháy mắt trong vô thức rồi lại hôn mê sâu. Chỉ mong vợ sống để về cùng nuôi con, thằng bé còn nhỏ quá…”
Anh Thọ vừa tâm sự, vừa cầm tay vợ. Bất chợ anh thốt lên: “Sao tay cô ấy lạnh thế này anh ơi, mới hôm qua còn thấy ấm lắm mà…”.
Anh mong vợ sớm về với con.
Rồi anh lại ôm mặt, lại nhìn vợ, lại liếc sang máy ECMO. Nghe báo số tiền viện phí mỗi ngày khoảng 10 triệu đồng, anh Thọ cười buồn.
Trước khi ra khỏi khoa, anh thì thầm với vợ: “Vợ tỉnh đi, con trai chúng ta đang chờ!”.
Độc giả muốn giúp đỡ hoàn cảnh chị Tô Thị Thắm vui lòng liên hệ trực tiếp chồng nạn nhân theo số điện thoại: 0824977811.
Hoặc liên hệ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Số tài khoản: 0071000077458.
Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh TP.HCM. Ủng hộ ghi rõ: “Giúp đỡ cho hoàn cảnh bệnh nhân Tô Thị Thắm, khoa ICU”.