Hiện nay, tỷ lệ thoái hóa cột sống ở người trẻ dưới 45 tuổi ngày càng gia tăng khiến đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm trước đây.
Bệnh tăng do thói quen lười vận động trong giờ làm việc
Anh N.T.Đ (36 tuổi, là một nhân viên văn phòng) thường ngồi làm việc 8 tiếng một ngày. Sau giờ làm, anh có thói quen chơi tennis cùng bạn bè. Trong một lần lên bóng, anh bị trượt chân ngã, lưng đập mạnh xuống đất nhưng vẫn sinh hoạt được bình thường.
Khoảng 2-3 ngày sau, anh Đ bị đau lưng dữ dội, đau lan xuống chân phải khiến anh đi lại rất khó khăn. Anh Đ, đến thăm khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, kết quả chẩn đoán, anh bị thoát vị đĩa đệm cột sống tầng thắt lưng 4-5, khối thoái vị lớn chèn ép nặng rễ thần kinh thắt lưng 5 bên phải.
Anh Đ, được chỉ định điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu nhưng không hiệu quả nên anh đã được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, tình hình chuyển biến tốt, anh được xuất viện sau 2 ngày và sau đó có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Nhân đang khám cho bệnh nhân, ảnh BVCC.
Trường hợp chị V.M.T (42 tuổi, quê ở Long An), công việc thường phải mang vác nặng, suốt 1 năm nay, chị bị đau lưng âm ỉ, thỉnh thoảng tê cả 2 chân. Chị đã tự điều trị tại địa phương bằng nhiều phương pháp như đắp thuốc, lể chích… nhưng không khỏi hẳn, chỉ giảm rồi lại tăng nặng lặp đi lặp lại nhiều lần.
Một tháng trở lại đây, chị T bị đau thắt lưng, lan xuống 2 chân, cứ đi được 100m là phải nghỉ chứ không đi tiếp được. Chị cũng không thể cúi người và mang vác nặng như trước. Sau khi, đến khám tại Bệnh viện và chụp MRI cột sống, bác sĩ chẩn đoán chị T bị thoát vị đĩa đệm và chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Sau 3 ngày, chị được xuất viện, sau đó bệnh ổn định dần, chị có thể đi lại sinh hoạt bình thường sau đó 2 tuần.
ThS BS. Nguyễn Thành Nhân – Khoa Chấn thương chỉnh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Sai lầm trong chế độ sinh hoạt, làm việc và luyện tập thể dục thể thao là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng thoái hóa cột sống”.
Thoái hóa cột sống là một bệnh lý rất thường gặp, hầu như không thể tránh khỏi. Quá trình này thường bắt đầu ở những người trên 35 tuổi. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc thoái hóa cột sống càng cao.
Trong đó, 57% người trên 65 tuổi có triệu chứng thoái hóa cột sống cổ, 89% người ở độ tuổi 60 – 69 có những dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng.
Hiện nay, tỷ lệ thoái hóa cột sống ở người trẻ dưới 45 tuổi ngày càng gia tăng khiến đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm trước đây
Thoái hóa cột sống là tình trạng tổn thương sụn khớp khối mấu khớp cột sống và đĩa đệm, dẫn đến hình thành các gai xương, có thể gây chèn ép rễ hoặc tủy thần kinh cột sống.
Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực như cổ, thắt lưng, với biểu hiện chính là đau mỏi cổ, thắt lưng, đau giảm khi nghỉ ngơi, tăng khi vận động, làm việc.
Khi bệnh nặng hơn có thể gây tê, dị cảm tay, chân…. Tuy không quá nguy hiểm nhưng những cơn đau do thoái hóa cột sống sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn tật.
Phòng ngừa bệnh
Theo bác sĩ Nhân, để phòng ngừa, nên tránh mang vác nặng, khi mang vác phải thực hiện đúng cách, chú ý thay đổi tư thế làm việc mỗi giờ, tập thêm các bài thể dục giữa giờ.
Chế độ ăn uống phải hợp lý, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, hạn chế chất kích thích…
Đặc biệt, nên cẩn trọng khi chơi các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, tennis… nên tập các môn nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, thể dục dưỡng sinh…để giúp cột sống khỏe mạnh, tránh nguy cơ gây tổn thương cột sống.
ThS BS. Nguyễn Thành Nhân khuyến cáo, bệnh thoái hóa cột sống là bệnh lý thường gặp, người dân nên có hiểu biết để phòng tránh. Khi có triệu chứng của bệnh, nên thăm khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp khác khiến bệnh trầm trọng, tốn nhiều thời gian và công sức điều trị hơn.
Cần lưu ý các yếu tố làm nguy cơ thoái hóa cột sống như: tuổi tác, di truyền, các chấn thương do chơi thể thao hoặc tư thế sinh hoạt, làm việc không đúng tư thế…