Nghĩ về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3

Tháng 6/2012, ông Ban Ki-moon lúc bấy giờ là Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chính thức công bố ngày Quốc tế Hạnh phúc (tiếng Anh: International Day of Happiness) là ngày 20/3. Ngày 20/3/2013, lần đầu tiên Liên hợp quốc tổ chức ngày Quốc tế Hạnh phúc với thông điệp: “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Chia sẻ trước sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, nhấn mạnh: “Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên cho chúng ta cơ hội để tăng cường cam kết nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại, cũng như làm mới lại các cam kết của chúng ta để giúp đỡ những người khác. Khi chúng ta đóng góp cho lợi ích chung, chúng ta cũng làm giàu cho chính mình. Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng được tương lai như chính chúng ta mong muốn”.

Lịch sử ngày Quốc tế Hạnh phúc được thực hiện từ ý tưởng của Bhutan – vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalayas, được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: Sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bên cạnh đó, việc Liên hợp quốc chọn ngày 20 tháng 3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn có lý do khác, đó là, vì đây là ngày xuân phân – ngày đặc biệt nhất trong năm. Ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau đại diện cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Xét về góc độ của sự hài hòa, đây là biểu tượng cho sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Từ những ý nghĩa đặc biệt đó, ngày Quốc tế Hạnh phúc hàng năm đã truyền tải thông điệp về sự: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”.

Tiết mục văn nghệ chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992 – 2022) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: CHÍ BẢO

Việt Nam là một trong nhiều quốc gia cùng cam kết ủng hộ ngày Quốc tế Hạnh phúc bằng sự nỗ lực của mình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người dân. Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” với mục tiêu: “Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của Việt Nam. Tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3”.

Một trong các hoạt động của Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” đó là, nội dung tuyên truyền, bao gồm: Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc; chủ đề và thông điệp của Liên hợp quốc; chủ đề, thông điệp riêng và các hoạt động của Việt Nam nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm. Chính sách pháp luật và việc thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Gương người tốt, việc tốt; chuyện thực, việc thực, kinh nghiệm, mô hình hay về các hoạt động vì hạnh phúc, xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng” [3].

Theo Báo Điện tử Chính phủ, ngày 20/3/2022, trong báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report – WHR) 2022 công bố hôm 18/3, tức 2 ngày trước ngày Quốc tế Hạnh phúc, đánh giá về “Hạnh phúc” cơ bản dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống. Các chỉ số trên được tổng hợp từ hơn 150 quốc gia, do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc thực hiện, lấy số liệu chủ yếu từ Gallup World. Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lần lượt là: Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sỹ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Điển, Na Uy, Israel và New Zealand. Phần Lan là quốc gia 5,5 triệu dân có nhiều khu rừng và hồ nước. Đất nước nổi tiếng là có dịch vụ công tốt, người dân tin tưởng vào chính quyền, mức độ tội phạm và bất bình đẳng thấp. So với năm 2021, Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 77; xếp hạng hạnh phúc năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83” [2].

Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ký tên Hồ Chí Minh, đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17 tháng 10 năm 1945, Bác viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” [6]. Theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Với Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc tự do là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa [4]. Nội dụng “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” cũng là Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” do Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn [1].

Với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng quyết tâm khẳng định: “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta” [5].

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Hướng dẫn số 16-HD/BTGTW, ngày 27/2/2021 về học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

[2] Báo Điện tử Chính phủ, ngày 20/3/2022.

[3] Chính phủ Quyết định số 2589/QĐ-TTg, ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tập 1, trang 111.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, 2021, tập 1, trang 204, 205.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, trang 64.

Nguồn Báo Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nghi-ve-ngay-quoc-te-hanh-phuc-20-thang-3-63962.html