Trước dư luận về việc các doanh nghiệp rượu bia lobby đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết luật được xây dựng theo quy trình và không ai có thể mời hết 500 đại biểu quốc hội đi du lịch nước ngoài để lobby.
Nghiên cứu tăng nặng xử phạt với lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông
Việc loại bỏ quy định về nồng độ cồn khỏi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã làm dấy lên nhiều sự phản ứng trên mạng xã hội và dư luận. Trong cuộc họp báo chiều 10/6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã chủ trì nhằm làm rõ những hiểu sai đang lan truyền trên mạng xã hội.
Trong phiên lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội, cả hai phương án quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đều không đạt quá bán và không được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, điều này khiến dư luận hiểu nhầm rằng sẽ không còn quy định về sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trong luật. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn được quy định trong các luật khác, trong đó có Luật Giao thông đường bộ.
Theo ông Phúc, ban soạn thảo muốn đưa các điều khoản về nồng độ cồn vào Luật Phòng chống tác hại rượu bia để thể hiện sự quyết tâm nhằm vào tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc các đại biểu Quốc hội không đồng ý nên sẽ tiếp tục áp dụng theo những quy định đã có trong các luật khác.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, cử tri và nhân dân yêu cầu xử lý nặng tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong Nghị định 46 của Chính phủ cũng đã có những quy định rõ ràng nhưng trong Nghị quyết chung tới đây của Quốc hội ở kỳ họp này sẽ có điều khoản giao Chính phủ nghiên cứu tăng nặng các hình phạt với việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông để tăng tính răn đe.
“Thời gian qua, nghị quyết cũ chưa có tính răn đe. Chính vì vậy, tới đây Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị quyết 46 theo hướng sẽ có chế tài xử phạt cao hơn, tính răn đe cao hơn với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia”, ông Phúc nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết cơ quan soạn thảo và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng như Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị tiếp thu một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia gây tai nạn giao thông.
“Thủ tướng đã đề nghị lấy lại điều 3, trong đó tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có lộ trình với các sản phẩm rượu, bia. Đây là giải pháp tích cực, chúng tôi đã tiếp thu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Lợi cho biết thêm sẽ tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục để khuyến khích tất cả người tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, điều này sẽ không có tính chất pháp lý cao như việc nó được quy định cụ thể trong luật.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhắc lại việc biết Quốc hội sẽ đưa yêu cầu tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông rồi gây tai nạn, cũng sẽ được đưa vào Nghị quyết chung. Chính phủ cũng đề xuất giải pháp tương tự.
“Khi chúng tôi làm việc với Chính phủ, Chính phủ cũng cho biết đang nghiên cứu để sửa Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt và Luật Giao thông đường thủy để có mức xử lý cứng rắn hơn với các hành động lạm dụng rượu bia khi thao gia giao thông. Nếu Quốc hội đưa điều này vào Nghị quyết chung, Chính phủ sẽ nghiên cứu những biện pháp xử lý cứng rắn hơn”, ông Lợi nhấn mạnh.
Không ai có thể mời hết 500 đại biểu đi nước ngoài để lobby
Khi phóng viên dẫn nghi vấn từ dư luận cho rằng một số đại biểu được doanh nghiệp rượu bia mời đi nước ngoài nhằm đạt lợi ích nhóm, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Về mặt nguyên tắc, đại biểu Quốc hội không được chấp thuận những chuyến đi mang tính chất lobby. Điều này vừa không đúng với tinh thần của đại biểu và Quốc hội cũng không cho phép”.
Về phần mình, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng sẽ không có doanh nghiệp nào có thể mời được hết 500 đại biểu Quốc hội tham gia những chuyến đi như vậy. Chính vì thế, sẽ không có doanh nghiệp nào đủ sức tác động được đến quyết định của tất cả các đại biểu Quốc hội.
“Ngoài ra, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp được tiến hành theo một quy trình rất chặt chẽ. Dù có muốn tác động cũng không thể được bởi mọi công đoạn đều tuân theo quy trình nghiêm ngặt và chặt chẽ”, ông Phúc nhấn mạnh đồng thời nhắc lại quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của doanh nghiệp và quyền lợi của nhà nước luôn được coi trọng và đảm bảo.
Chia sẻ thêm, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết chưa bao giờ làm một luật nào có nhiều ý kiến trái chiều như Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Ông Lợi không phủ nhận quyền lobby của doanh nghiệp nhưng Luật phải đảm bảo lợi ích của tất cả các bên chứ không phải luật được đưa ra để chạy theo các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia.
“Chúng tôi phải tính phương án cân bằng lợi ích của tất cả các bên”, ông Lợi nhấn mạnh.