Nghệ thuật truyền thống ‘bắt tay” cùng du lịch

Du lịch nhờ nghệ thuật biểu diễn có thể thu hút thêm du khách. Ngược lại, nghệ thuật biểu diễn có thêm “đất” diễn và nguồn kinh phí để tiếp tục bảo tồn, phát huy, cải thiện đời sống nghệ sĩ. Những “đặc sản” văn hóa này nếu được kết hợp khéo léo sẽ biến thành điểm nhấn nổi bật tạo hứng khởi đặc biệt cho đông đảo du khách.

Nhân dân và du khách hào hứng xem biểu diễn Rối nước Đồng Ngư tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh nhân sự kiện tổ chức hoạt động Hát quan họ trên thuyền và phố đi bộ.

 

Với nhiều du khách có dịp thưởng lãm chương trình “Hát quan họ trên thuyền” tại thành phố Bắc Ninh hoặc từng trảy hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp tại thị xã Thuận Thành chắc hẳn sẽ khó thể quên những màn biểu diễn rối nước đặc sắc do các nghệ nhân Phường Rối nước Đồng Ngư (Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành) thực hiện với các tích trò phong phú, sinh động. Dễ nhận thấy, mỗi khi tiếng hát, tiếng trống vang lên, du khách lại háo hức đón xem những tích trò rối nước mang đậm nét đồng quê Bắc Bộ như: Đốt pháo bật cờ; mời trầu; vào chùa; đánh đu; chăn trâu thổi sáo… Anh Hoàng Công San, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích xem rối nước. Khác với xem qua truyền hình, xem biểu diễn múa rối nước ở ngoài đời thực có thể thấy hết được sự độc đáo, hấp dẫn, kỳ công của loại hình nghệ thuật này. Điều quan trọng hơn là các cháu nhỏ đã có những trải nghiệm đáng nhớ và hiểu thêm về lịch sử, văn hóa nghệ thuật của dân tộc”.

Còn tại Lễ hội Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức (huyện Gia Bình) diễn ra vào dịp cuối tháng tư vừa qua, du khách có dịp được thưởng thức buổi biểu diễn ca trù đặc sắc do các nghệ nhân của CLB ca trù Tiểu Than trình bày. Buổi biểu diễn đã thu hút hàng nghìn người xem, nghe và tìm hiểu về nghệ thuật ca trù. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin và Thể thao huyện Gia Bình cho biết: “Cùng với các trò chơi dân gian trong lễ hội, việc đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào chương trình lễ hội mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Đây cũng là một trong những cách để huyện Gia Bình quảng bá du lịch, văn hóa độc đáo và làm sống dậy những giá trị nghệ thuật có nguy cơ bị mai một”.

Bắc Ninh là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, di tích, nhiều di sản vật thể và phi vật thể nổi tiếng, cùng với đó là hàng trăm lễ hội nổi tiếng được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo khách du lịch. Ngoài Dân ca quan họ, nhiều địa phương trong tỉnh còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như hát chèo (Quế Võ); hát ca trù (Gia Bình, Thuận Thành, Yên Phong), hát Trống quân, múa Rối nước (Thuận Thành)…Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho quần chúng nhân dân vào các dịp lễ hội, lễ kỷ niệm. Đặc biệt phối hợp ban quản lý các khu, điểm du lịch đưa các loại hình nghệ thuật phục vụ du khách nhân các sự kiện như Festival Về Miền Quan họ; Lễ hội Đền Đô, Lễ hội Kinh Dương Vương, hội Lim, Lễ hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp …

Một tiết mục hát Chầu văn được biểu diễn tại chương trình Lễ hội Cao Lỗ Vương năm 2023.

 

Thông qua hoạt động biểu diễn, giao lưu cho thấy các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Bắc Ninh vẫn có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Từ đó, tạo ra “sân chơi”, “đất diễn” để những người nắm giữ di sản, các nghệ nhân, CLB có điều kiện được thực hành, biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tạo điểm nhấn tại các di tích, điểm du lịch; xây dựng đầu mối kết nối giữa các nhóm, các CLB loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống với các điểm di tích, thúc đẩy việc kết nối với các đơn vị lữ hành, đánh thức nhu cầu khách du lịch; nâng cao nhận thức công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung và Bắc Ninh nói riêng, đặc biệt  là các di sản văn hóa có nguy cơ mai một.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch. Khung trình diễn định kỳ vào thứ Bẩy và Chủ nhật hằng tuần (ngày 15 và ngày mồng một âm lịch) trong 3 tháng Xuân các năm 2024 và 2025. Qua đó nâng cao tính tương hỗ, kết hợp giá trị nghệ thuật với nét đặc thù của hoạt động du lịch, dùng nghệ thuật để làm phong phú hơn lịch trình tua thu hút du khách. Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch này cũng như đưa hoạt động trình diễn nghệ thuật truyên thống đi vào bài bản, đa dạng, tránh sự nhàm chán cho du khách, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa nét độc đáo của các nghệ thuật truyền thống; thực hiện công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội khôi phục, phát triển nghệ thuật truyền thống. Những địa phương có nghệ thuật truyền thống và điểm lễ hội cần quan tâm, động viên các nghệ nhân, CLB, những người am hiểu nghệ thuật truyền thống vào cuộc, tổ chức truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình nghệ thuật truyền thống có “đất sống” trong các khu, điểm du lịch. Các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống cần nâng cấp cơ sở vật chất, an ninh trật tự, không gian biểu diễn, xây dựng nội dung chương trình phong phú nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ấn tượng và thu hút khách du lịch đến, lưu lại lâu hơn, qua đó góp phần đưa du lịch của tỉnh ngày càng phát triển”.

N. Hoa
Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/nghe-thuat-truyen-thong-bat-tay-cung-du-lich