Các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang.
Người giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm, việc gian lận trong thi cử ở Hà Giang làm mất sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Sau một tuần nghị án, dự kiến sáng mai (25/10) TAND tỉnh Hà Giang sẽ tuyên phạt 5 cán bộ trong vụ gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh này.
Trước đó, trong 5 ngày diễn ra phiên xử từ 14 – 18/10/2019, dựa trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, đại diện VKS Nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8 – 9 năm tù; bị cáo Vũ Trọng Lương 7 – 8 năm tù giam.
Các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2 – 2,5 năm tù; bị cáo Phạm Văn Khuông 1-1,5 năm, nhưng cho hưởng tù treo.
Về hình phạt bổ sung, vị đại diện VKS đề nghị HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1 – 2 năm.
Bà Vũ Thị Thanh Nga (người giữ quyền công tố) nêu quan điểm, hành vi phạm tội của các bị cáo được dư luận đặc biệt quan tâm, đã xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
Việc gian lận trong thi cử làm mất sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ án này, các bị cáo là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ và quyền hạn và công tác nhiều năm, am hiểu rõ quy định, quy chế của ngành đã đề ra nên đáng lẽ, các bị cáo phải gương mẫu.
Công tố viên Vũ Thị Thanh Nga. Ảnh: Hoàng An.
Đối với Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, VKS có đủ cơ sở kết luận 2 bị cáo đã bàn bạc, thống nhất với nhau để nâng điểm môn trắc nghiệm cho các thí sinh.
Dù bị cáo Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi nhưng Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương.
Ngoài ra, Vũ Trọng Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của thí sinh. Vị Phó trưởng Phòng Khảo thí đã sửa kết quả bài làm của 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Quá trình điều tra và tại tòa, 2 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội do lợi dụng kẽ hở của phần mềm chấm thi tốt nghiệp. Hai bị cáo cũng như phụ huynh, người thân thí sinh đều khai việc nhờ nâng điểm do quen biết thân thiết, không có lợi ích vật chất gì để sửa điểm.
Do đó, VKS nhận thấy không có căn cứ để chứng minh các bị cáo nhận tiền, tài sản hay bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án. Không đủ cơ sở pháp lý kết luận 2 bị cáo có động cơ vụ lợi.
Trong phần được nói lời sau cùng, các bị cáo Hoài, Lương, Dung và Khuông đều bày tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi về những sai phạm mình gây ra. Tất cả đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về với gia đình, cộng đồng.
Riêng bị cáo Triệu Thị Chính phản đối cáo trạng truy tố bà về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.
Nữ bị cáo phát biểu rằng, từ khi xảy ra vụ việc, là một nhà giáo bà vô cùng đau xót. Dù 107 thí sinh Hà Giang được nâng điểm vượt khỏi sự kiểm soát nhưng lúc đó với cương vị PGĐ Sở, bà đã nhận trách nhiệm về mình.
“Việc đưa danh sách 13 thí sinh tôi thừa nhận sai, có lỗi. Tôi xin gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục và nhân dân tỉnh Hà Giang. Tôi sẵn sàng chịu kỷ luật trong ngành nhưng tôi khẳng định tôi không phạm tội”, bà Chính bày tỏ.