Ngành nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” vững chắc cho kinh tế Việt Nam

Trong quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, trong quý I/2023, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn; lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn; giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga – Ukraine kéo dài… Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

huucoẢnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22 %.

Nhiều tín hiệu tích cực trong 3 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp quý I/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.

1Diện tích gieo trồng một số cây hàng năm – Tính đến trung tuần tháng Ba (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Về nông nghiệp, tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.922,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước.

Tại các địa phương phía Bắc, nhiều địa phương đã hoàn thành chăm sóc lúa đợt 1 và đang tiến hành chăm sóc lúa đợt 2, lượng nước tưới được cung cấp đầy đủ và kịp thời. Hiện nay, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Tại các địa phương phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch 792,4 nghìn ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy và bằng 101,9% cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước…

Đến giữa tháng Ba, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2022-2023. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng đạt 177,9 nghìn ha, tăng 6,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước.

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,8 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19,3% về sản lượng và tăng 30,2% về giá trị; điều đạt 122 nghìn tấn tương đương 708 triệu USD, tăng 16,6% và tăng 14,2%; rau quả đạt 935 triệu USD, tăng 10,6%.

2Tốc độ tăng số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 3/2023 so với cùng thời điểm năm trước (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Về chăn nuôi, chăn nuôi bò trong quý phát triển ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá, dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ.

Chăn nuôi lợn có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm soát và điều hành hợp lý giá thức ăn chăn nuôi để giúp người nuôi ổn định sản xuất và đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Về lâm nghiệp, tính chung quý I/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 38,7 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 27,4 triệu cây, tăng 6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.349,2 nghìn m3, tăng 4,2%.

Theo chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 251,6 ha rừng bị thiệt hại, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 180,2 ha, giảm 14,7%; diện tích rừng bị cháy là 71,4 ha, gấp 7,7 lần.

3Sản lượng thủy sản quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)

Trong quý I/2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.404,6 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 184,5 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 300,1 nghìn tấn, tăng 0,7%.