Nga bắn lên không năng lượng vô tuyến, Trung Quốc dùng vệ tinh theo dõi sát sao. Tất cả là vì mục đích khoa học.
Không ai biết và cũng chẳng mấy ai để ý, Trung Quốc và Nga chung tay làm thí nghiệm nhằm điều chỉnh bầu khí quyển bao quanh Trái Đất. Tháng Sáu vừa rồi, các nhà khoa học từ hai nước tuyên bố 5 bài thử họ đã thực hiện, một vài trong số đó có liên quan tới quân sự. Tất cả các kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên Earth and Planetary Physics.
Đáng chủ ý nhất trong các thử nghiệm là việc tăng nhiệt độ của tầng điện li. Họ sử dụng thiết bị từ Cơ sở Cung cấp nhiệt Cho tầng điện li Sura (SURA) đặt tại Vasilsrusk, Nga để bắn năng lượng vô tuyến lên lớp plasma ion hóa có trên tầng điện li. Sau đó, các cảm biến có trên vệ tinh Zhangheng-1 của Trung Quốc sẽ thu thập các dữ liệu từ trên không.
“Người ta hứng thú với các thử nghiệm này nhưng cũng phải nói thêm, chúng tôi đã thực hiện các thí nghiệm tương tự nhiều năm nay rồi“, Dennis Papadopoulos, giáo sư vật lý tại Đại học Maryland nói vưới Motherboard. Ông bổ sung thêm rằng bản thân thí nghiệm sẽ không đưa ra kết quả gì mới mẻ, chỉ thấy rõ một thông điệp là cả Nga và Trung Quốc đều đang có hứng thú với Vũ trụ.
Để trấn an dư luận, các nghiên cứu chỉ rõ rằng việc tăng nhiệt độ tầng điện li không ảnh hưởng tới plasma có trong khí quyển.
Tuy nhiên, có một bài thử được thực hiện hôm mùng 7 tháng Sáu đã tạo ra xung điện trong diện tích 127.000 km2, “tạo ra số lượng các hạt hạ nguyên tử mang điện tích âm gấp 10 lần các khu vực lân cận“. Thông tin vừa nêu do South China Morning Post đăng tải. Nghiên cứu cũng nói thêm rằng có một bài thử khác đã làm khí gas bị ion hóa trong khu vực tăng thêm 100 độ C.
Tầng điện li nằm ở độ cao từ 50-80 km cho đến khoảng 1000 km. Khí gas tại đó vì bị ảnh hưởng nhiều từ bức xạ Mặt Trời và bức xạ Vũ trụ nên chứa rất nhiều ion và điện tử tự do. Nếu không có tầng điện li, tín hiệu vô tuyến sẽ không thể dội lại từ đài phát trở lại mặt đất, nên nó đóng vai trò tối quan trọng trong các phương tiện liên lạc. Bởi lẽ đó, các nhà khoa học rất chú trọng vào việc nghiên cứu tầng điện li.
Ngay năm ngoái, các nhà khoa học Mỹ cũng đã kích thích tầng điện li để tạo ra cực quang nhân tạo, với mục đích nghiên cứu hiện tượng thiên nhiên kì thú. Nhiều người lo ngại sẽ có kết cục chẳng lành sau việc hợp tác, thế nhưng giáo sư Papadopoulos nói rằng không nên đánh giá quá cao nghiên cứu này. Hơn nữa, hồi năm 2014, nước Mỹ cũng đã chuẩn bị bắt tay với Nga và Ukraine để nghiên cứu, thế nhưng căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm đổ bể nỗ lực khoa học.
Bên cạnh đó, nhiều nước khác cũng có cơ sở nghiên cứu tầng điện li, vì như đã nói ở trên, nó đóng vai trò tối quan trọng trong phát triển phương tiện liên lạc, cả dân dụng và quân dụng, chưa kể quan trọng với cả ngành khám phá Vũ trụ.
“Chúng tôi có cố đóng vai Chúa trời đâu“, một nhà khoa học Trung Quốc nói. “Chúng tôi không phải đất nước bắt tay với Nga để làm dự án bí ẩn gì. Nhiều nước khác cũng làm vậy mà”.
Kết quả cuối cùng của nghiêm cứu: họ tìm hiểu cơ chế tăng/giảm nhiệt độ của khí quyển nói chung và tầng điện li nói riêng, lần này chính xác hơn trước là nhờ có vệ tinh theo dõi từ trên cao. Những thử nghiệm khác trong tương lai sẽ tựa vào bàn đạp này để thành công hơn nữa.