New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà Mộng mơ cũng tới bến!

Bên cạnh những sáng tạo phục vụ thực tế xoay vần của Ralph Lauren, Calvin Klein… thì cũng chẳng ít mộng mơ bay bổng khiến người xem mê đắm từ cái nhìn đầu tiên.

Marc Jacobs

Như lẽ thường, tiêu điểm của New York Fashion Week là BST Xuân-Hè 2019 của Marc Jacobs nhưng lại theo cách thức không mấy tích cực: mở màn chậm trễ đến tận 90 phút!

Vô vàn lý do được biện bạch: nào là tái sắp xếp đường dây trình diễn, nào là các thiết kế vẫn còn đang khâu hoàn thiện… nhưng logic nhất vẫn là ước đoán về toan tính giữ chân các “tai to mặt lớn” của Marc Jacobs nhằm gián tiếp hạ bệ show diễn nội y của Rihanna.

New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 1.
New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 2.

Thế nhưng, dù thị phi đến đâu thì cũng chẳng thể chối bỏ một thực tế rằng show diễn của Marc Jacobs đã chiếm trọn spotlight của New York Fashion Week với tinh thần duy mỹ đi trước thời đại.

Những thiết kế rực rỡ sắc màu, lộng lẫy và diêm dúa với vô vàn chi tiết xếp diềm hay đóa hoa hồng cỡ đại xếp từ lụa đã thỏa mãn cơn đói thị giác của giới mộ điệu. Trên các hàng ghế, khán giả phủ phê với những tông màu kẹo ngọt đồng thời đưa họ về với những dấu ấn kinh điển của các thập niên trước như bộ vest Le Smoking hay cổ áo bèo của Pierrot. Dù từng khiến cánh chuyên môn e ngại rằng thẩm mỹ của Marc Jacobs đã chẳng còn thức thời, sản phẩm chẳng còn bán chạy như trước nhưng tất thảy đều gật gù với vị thế người giữ lửa New York Fashion Week của ông.

Rodarte

Tái xuất New York Fashion Week mùa này là Rodarte sau 2 năm trải nghiệm tại kinh đô thời trang Paris. Đối lập với tính thực dụng vốn luôn được đề cao tại thành phố Quả táo lớn, các sáng tạo của Rodarte vẫn tôn sùng tinh thần lãng mạn mộng mơ, nữ tính bay bổng đến cùng cực.

New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 4.
New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 5.

Dễ nhận thấy rằng cái nét đặc trưng của Rodarte như từng lần vải xếp tầng mượt mà hay lớp voan mỏng tang như sương khói thường được coi là chịu ảnh hưởng mạnh từ trường phái của thời trang Pháp hơn là nền tảng thương mại của New York. Những quý cô của Rodarte cứ dịu dàng duyên dáng như tiên nữ, từng bước từng bước nhịp nhàng trình diễn dưới cơn mưa như trút nước.

Oscar de la Renta

Chẳng còn vướng víu vào nét cũ với những kiểu đầm dạ hội lộng lẫy đủ màu, bộ đôi Laura Kim và Fernado Garcia đã mang lại một diện mạo tinh khôi mới mẻ của Oscar de la Renta. Những khách hàng lâu năm của nhà mốt này ắt có đôi chút lạ lẫm với cảm hứng du mục phóng khoáng trong BST mới: họa tiết hoa viền, tua, thêu bất đối xứng…

Tất nhiên hai vị Giám đốc sáng tạo mới cũng khéo yêu chiều những ai trót yêu cái tên Oscar de la Renta bằng một số kiểu đầm dạ hội lộng lẫy và sang trọng được tô điểm bởi bảng màu quen thuộc hiện nay như vàng, xanh lá, ánh kim…

New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 7.
New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 8.

CALVIN KLEIN 205W39NYC

Tích hợp văn hóa đại chúng vào thời trang cao cấp xem ra là ngón nghề thượng thặng của Raf Simon. Show diễn mở đầu bằng cách thức của một bộ phim kinh dị với ánh đèn đỏ gắt ma mị khiến công chúng liên tưởng đến màu máu đỏ lan trong đại dương vốn định hình nên huyền thoại của bộ phim “Hàm Cá Mập” (1975), thế nhưng cung bậc cảm xúc tiếp theo tưởng chừng lại rất mâu thuẫn: áo choàng và mũ mão tựa như bộ phim “Sinh viên tốt nghiệp” (1967).

New York Fashion Week mùa này: Thực dụng đến cùng mà mộng mơ cũng tới bến! - Ảnh 10.

Vì sao lại là hai bộ phim với hai trường phái nghịch nhau chan chát đến vậy? Raf Simon lý giải đơn giản rằng, cả hai là những ký ức thú vị nhất trong tuổi trẻ của ông. Tựu trung, các thiết kế đều tô vẽ nên hình ảnh của một thế hệ thanh niên tươi trẻ tràn đầy nhiệt huyết: họ ưa chuộng những chiếc áo len to sụ phối cùng chân váy midi, đầm họa tiết 2D, bodysuit da lấy cảm hứng từ đồ lặn hay đủ kiểu áo khoác thú vị. Nhào nặn mát tay giữa thực tế phũ phàng và mộng mơ của tuổi trẻ, xem ra chỉ có thể là Raf Simon.

Ralph Lauren

Không chỉ là biểu tượng của thời trang Mỹ, show diễn mới nhất của Ralph Lauren còn là sự kiện kỷ niệm 50 năm của nhà mốt này. Bên cạnh đó một trong những khác biệt lớn nhất của Ralph Lauren với các nhà mốt khác tại New York Fashion Week là BST này là Thu-Đông 2018 thay vì Xuân-Hè 2019, tức là theo đúng mùa trong hiện thực.

Ngay từ địa điểm tổ chức show diễn cũng đã mang tính kỷ niệm: công viên trung tâm Manhattan, nơi vốn gắn bó với cuộc sống của NTK. Đúng với tinh thần 50 năm, BST mới này đi từ cũ đến mới, từ Tây sang Đông. Công chúng dễ nhận ra phong cách preppy vốn đi vào kinh điển của nhà mốt, kiểu áo polo trứ danh hay sơmi kẻ caro đậm chất Mỹ…

100 thiết kế vô cùng đa dạng, chẳng thiếu những bộ đầm lộng lẫy theo tư tưởng chiết trung hay trang phục cho trẻ con, hình thành nên hàng loạt gia đình kiểu mẫu của nước Mỹ.

Tom Ford

Chẳng hoa mỹ hay màu mè, show diễn của Tom Ford vẫn chứng tỏ vị thế mở màn New York Fashion Week là hoàn toàn xứng đáng. Không chỉ tinh giản trong phom dáng và sắc sảo về đường nét, phương thức lựa chọn chất liệu của Tom Ford cũng cho thấy tinh thần của thời trang cao cấp: da cá sấu giả, da ngựa chấm bi và lụa satin kết hợp hài hòa… trẻ trung năng động nhưng chẳng kém phần sang trọng thượng lưu.

Nền tảng của thời trang Mỹ đã được phản ánh rất rõ ở đường hướng của Tom Ford: ông muốn tạo nên những thứ mà khách hàng mình thật sự muốn mặc thay vì thúc ép họ chạy theo xu hướng và dần đánh mất bản ngã của chính mình.