Trái Đất đang lâm nguy, nhân loại phải tự tìm cách cứu lấy mình và hành tinh ta đang sinh sống.
Nghiên cứu mới về môi trường Trái Đất chắc chắn sẽ khiến bạn lo lắng. Việc xả khí thải không ngừng khiến lượng carbon dioxide tích trữ trong đại dương ngày một lớn, khả năng cao đây sẽ chính là ngòi nổ khởi đầu cho một chuỗi các phản ứng hóa học mang lại hậu quả xấu. Theo nghiên cứu, những phản ứng hóa học này sẽ xảy ra ngay trước thời điểm diễn ra một sự kiện đại diệt vong trên quy mô lớn.
Giáo sư ngành địa vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Daniel Rothman công bố những dữ liệu mới cho thấy mức carbon đã đạt gần ngưỡng cực điểm, đang tiến gần tới ngưỡng gây ra hiện tượng acid hóa cực đoan trong môi trường biển. Nếu bạn thấy quen, thì hiện tượng này đã xảy ra trong quá khứ rồi: 250 triệu năm trước, quá trình acid hóa xảy ra ngay trước sự kiện đại diệt chủng của giai đoạn giữa Kỷ Permi và Kỷ Tam Điệp.
Daniel Rothman
Nghiên cứu của giáo sư Rothman tới vào thời điểm lời dự đoán của ông được hai năm tuổi: ông cho rằng sự kiện đại diệt chủng lớn sẽ diễn ra vào thời điểm cuối thế kỷ này. Từ năm 2017 tới giờ, ông bỏ công sức nghiên cứu lý do tại sao carbon tích trong đại dương lại có thể đe dọa tới sự sống trên Trái Đất.
Giáo sư Rothman dựng lên một mô hình giả lập hành động liên tục bơm carbon vào nước biển, để rồi phát hiện ra rằng khi lượng khí thâm nhập vào môi trường đại dương vốn đang cân bằng, hiện tượng acid hóa tạm thời sẽ diễn ra.
Nhưng ông không dừng lại tại đó. Rothman làm đúng những gì con người đã và đang thực hiện suốt nhiều trăm năm nay, là liên tục bơm khí carbon dioxide vào nước biển. Đại dương phản ứng khi chạm giới hạn chịu đựng, xảy ra hiện tượng mà các nhà nghiên cứu tại MIT gọi là “đợt tăng phản ứng hóa học”, khiến nước biển bị acid hóa nghiêm trọng và khuếch đại hiệu ứng nóng lên của lượng khí carbon dioxide đã được đưa vào trước đó.
Giáo sư Rothman nói thêm trong vòng 540 triệu năm qua, những phản ứng hóa học này đã diễn ra rất nhiều lần.
Nhưng những lần đáng chú ý nhất diễn ra cùng trong khoảng thời gian xảy ra những sự kiện diệt chủng lớn. Đáng lo ngại thay, tốc độ hấp thụ carbon của đại dương ngày nay nhanh hơn trong khoảng thời gian vụ diệt chủng Kỷ Permi – Tam Điệp diễn ra. Vào cái thời định mệnh đó, 90% sinh vật sống trên bề mặt Trái Đất đã bị tuyệt diệt.
Rothman nhận định: hành tinh của chúng ta đang đứng bên bờ vực của đợt tăng phản ứng hóa học định mệnh.
Đây cũng chẳng phải nghiên cứu tầm thường gì để chúng ta xem nhẹ, bởi đứng sau hậu thuẫn giáo sư Rothman là NASA và Tổ chức Khoa học Quốc gia NSF. Và những lời cảnh báo đáng lo ngại vẫn chưa dừng lại: dù là lý do gì đẩy Trái Đất tới cận bờ vực nguy hiểm, kết quả vẫn sẽ như nhau cả thôi.
“Một khi chúng ta vượt ngưỡng cho phép, thì làm thế nào ta tới được điểm này chẳng còn quan trọng nữa”, ông Rothman nói. “Một khi vượt ngưỡng, chúng ta sẽ phải đối mặt với cách thức Trái Đất vận hành, và nó sẽ tự vận hành theo cách ta không kiểm soát được”.
Nhiều nhà khoa học khác gọi nghiên cứu này của Daniel Rothman là lời cảnh tỉnh cho hành động xả khí thải vô tội vạ mà con người vẫn đang thực hiện.
“Chúng ta đã biết rõ hậu quả kéo dài hàng thiên niên kỷ của việc xả khí CO2”, Timothy Lenton, giáo sư ngành biến đổi khí hậu và khoa học hành tinh tại Đại học Exeter cho hay. “Nghiên cứu này cho thấy hậu quả có thẻ đáng lo ngại hơn nhiều những gì ta vẫn mường tượng”.
“Nếu ta đẩy Trái Đất đi quá xa, cơ chế hoạt động của Trái Đất sẽ quyết định phản ứng của chính hành tinh này”, giáo sư Lenton nói thêm. “Và khi vượt qua ngưỡng đó, con người sẽ chẳng làm được gì nhiều nữa”.
Tham khảo MIT News