Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Khơ Mú

Ở bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã có 150 hộ, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Bà con nơi đây luôn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nổi bật là trang phục của phụ nữ.

Truyền dạy việc mặc trang phục dân tộc Khơ Mú cho thế hệ trẻ.

Trang phục dân tộc của phụ nữ Khơ Mú gồm có: Khăn piêu, áo cóm đen, váy đen. Bà Quàng Thị Kẹo, bản Nậm Pù, có nhiều kinh nghiệm trong việc thêu may trang phục truyền thống, cho biết: Con gái Khơ Mú từ khi 10 tuổi đã được truyền dạy thêu thùa trang phục. Bắt đầu học thêu họa tiết trên chiếc khăn piêu, khi đường kim, mũi chỉ thành thạo sẽ tự làm trang phục cho mình. Mỗi bộ trang phục dân tộc Khơ Mú thường mất khoảng gần 1 tháng để hoàn thiện.

Khăn piêu của dân tộc Khơ Mú gần giống như khăn piêu của dân tộc Thái, nhưng họa tiết trên khăn đơn giản hơn. Áo cóm của phụ nữ Khơ Mú có màu đen, có hàng cúc bạc to hình chữ nhật, trên áo đính những đồng tiền bạc, hạt ngọc nhiều màu thể hiện mong ước giàu sang, phồn thịnh. Váy của phụ nữ dân tộc Khơ Mú được sử dụng bằng vải đen thường, ngắn ngang bắp chân để người phụ nữ thuận tiện khi làm các công việc đồng áng hằng ngày. Phần chân váy có các họa tiết được thêu hoặc dệt những hình hoa lá, con vật, hình thoi… bằng các loại chỉ màu sặc sỡ.

Để trang phục của dân tộc mình đặc sắc hơn, nhiều phụ nữ đã cải tiến bằng cách sử dụng các loại vải màu như xanh, đỏ, vàng, tím đính kèm kim tuyến để làm áo cóm, nhưng vẫn giữ nguyên các họa tiết đặc trưng của dân tộc. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng trang phục dân tộc, một số chị em còn thêu các họa tiết, hoa văn để làm hàng hóa, người mua về chỉ cần may họa tiết vào phần tay, vai, ngực, chân áo cóm và chân váy là hoàn thiện một bộ trang phục đẹp. Ngoài ra, trang phục phụ nữ dân tộc Khơ Mú còn có “láp la” (dây lưng), là các tấm vải đủ màu sắc sặc sỡ quấn quanh phần eo để vừa che khuyết điểm người mặc, vừa tạo điểm nhấn cho bộ trang phục. Bên cạnh đó, bà con ở bản Nậm Pù vẫn giữ được nghề dệt vải may túi để đựng đồ dùng khi cần thiết.

Hướng dẫn thêu các họa tiết trên trang phục dân tộc.

Chị Hùng Thị Hải, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản, cho biết: Trong Chi hội hiện có khoảng 30% số hội viên còn duy trì việc thêu may trang phục dân tộc. Để quảng bá, giới thiệu cũng như giữ gìn nét đẹp trang phục phục truyền thống, Chi hội đã tuyên truyền, vận động chị em học làm trang phục dân tộc. Duy trì đội văn nghệ bản, ưu tiên lựa chọn những điệu múa kết hợp trang phục dân tộc để biểu diễn khi tham gia giao lưu với các bản, xã khác trong huyện.

Ngày nay, đồng bào dân tộc Khơ Mú chủ yếu mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, tết, dịp trọng đại của gia đình, những người biết làm trang phục của dân tộc ngày càng ít hơn. Cùng với tích cực giữ gìn trang phục của dân tộc, bà con bản Nậm Pù còn thường xuyên duy trì các lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa.

Huyền Trăng

Nguồn Báo Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/net-dep-trang-phuc-phu-nu-dan-toc-kho-mu-vUfZpTYVg.html