Nét đẹp mùa Vu Lan

Đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, Rằm tháng 7 (ngày 15/7 âm lịch) hằng năm là Lễ Vu Lan, ngày lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, để con cháu báo ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ…

Ngày Rằm tháng 7, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm thịnh soạn, tươm tất dâng tổ tiên.
Ngày Rằm tháng 7, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn, tươm tất dâng cúng tổ tiên.

Vào những ngày này, người dân khắp nơi tất bật mua đồ lễ để dâng lên tổ tiên, tưởng nhớ những người đã khuất. Ghi nhận trên địa bàn TP Hạ Long, bắt đầu từ ngày 10/7 âm lịch, nhiều gia đình đã sửa soạn mâm cơm, lễ vật dâng lên tổ tiên và chuẩn bị lễ cúng chúng sinh; nhiều người cũng lên chùa thành kính dâng hương, tham gia khóa lễ.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) chia sẻ: Rằm tháng 7 năm nay, tôi đã chuẩn bị mâm lễ sớm từ 12/7 âm lịch để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà và những người đã khuất. Những năm trước, gia đình tôi thường mua rất nhiều đồ vàng mã để thắp hương. Tuy nhiên, năm nay để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, gia đình tôi đã tiết giảm tối đa việc đốt vàng mã và thực hiện đốt ở nơi khô thoáng, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Chị Đỗ Thúy Hằng (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết: Trong ngày Rằm tháng 7, ngoài việc sắp mâm lễ để cúng tại nhà, gia đình tôi còn tham gia Lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Long Tiên; thành tâm cầu mong cho gia đình sức khỏe, cuộc sống may mắn, thuận lợi. Những ngày này, nhiều thành viên, họ hàng trong gia đình tôi cũng đều tụ họp để cùng tưởng nhớ về cội nguồn và duy trì nét đẹp truyền thống cho tới muôn đời sau.

Người dân chọn mua thực phẩm kỹ lưỡng để  chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất cho việc cúng Rằm tháng 7 tại gia đình.
Người dân chọn mua thực phẩm kỹ lưỡng để chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất cho việc cúng Rằm tháng 7 tại gia đình.

Không chỉ tại gia đình, hoạt động cầu siêu, dâng hương hoa, khóa lễ tại các cơ sở thờ tự vào những ngày này cũng được tổ chức long trọng và thu hút tăng ni, phật tử, người dân tham gia, dâng lễ. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, khoảng một tuần trước ngày Rằm tháng 7, không khí Lễ Vu Lan đã tấp nập với các hoạt động tụng kinh Vu Lan, kinh Báo hiếu phụ mẫu, cầu siêu, thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu, nghi lễ cài bông hồng lên ngực áo hay thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh Anh hùng liệt sỹ…

Ngày 26/8 (tức ngày 11/7 âm lịch) tại chùa Xuân Lan (xã Hải Xuân, TP Móng Cái) đã diễn ra Lễ Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023. Trong không khí lắng đọng thành kính, phật tử đã thành tâm hướng về đấng sinh thành để tưởng nhớ và tri ân. Những cành hoa hồng đỏ thắm được cài lên ngực áo những ai may mắn còn cha, mẹ và những bông hồng trắng được cài lên áo của những người đã mất cha, mẹ để tưởng nhớ đến ân đức đấng sinh thành.

Trước đó, ngày 20/8/2023, chùa Ba Vàng cũng long trọng tổ chức đại Lễ Vu Lan. Tham dự buổi lễ, nhân dân, phật tử và du khách đã được nghe giảng dạy về ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan, tụng kinh Vu Lan, đặt bát cúng dường chư tăng, tham gia nghi lễ cầu siêu phả độ gia tiên để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Đại lễ Vu Lan (Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023) tại  thu hút đông phật tử tham dự.
Đại lễ Vu Lan (Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023) tại chùa Xuân Lan, xã Hải Xuân, TP Móng Cái, thu hút đông phật tử tham dự.

Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động phóng sinh, thả giống hưởng ứng mùa Lễ Vu Lan cũng đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong ngày 29/8 (tức 14/7 âm lịch), Sở NN&PTNT phối hợp với huyện Tiên Yên tổ chức thả khoảng 55.800 con giống thủy sản, gồm: Cá trắm đen, trắm cỏ, cá mè hoa, rô phi… tại khu vực hồ Khe Cát, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần làm sạch nguồn nước, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái. Đây là việc làm từ bi và lợi ích thiết thực trong mùa Lễ Vu Lan, góp phần đem lại môi trường tự nhiên phát triển bền vững và ổn định. Qua đó, hồi hướng công đức cầu cho quốc thái dân an, ấm no hạnh phúc.

Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.
Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.

Lễ Vu Lan nhằm giáo dục con người về đạo hiếu – một giá trị cao đẹp của Phật giáo cũng như của dân tộc Việt Nam. Đó như “chất keo” gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ, cộng đồng, quê hương, đất nước, thấm sâu vào đời sống tâm linh của người Việt và tiếp tục được các thế hệ sau kế thừa, gìn giữ. Qua đó, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày.

Minh Đức
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/giu-gin-net-van-hoa-tam-linh-trong-ngay-le-vu-lan-3257072.html