Nền tảng xã hội văn minh, hạnh phúc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều năm qua các địa phương trong tỉnh đã luôn quan tâm công tác gia đình, đẩy mạnh Phong trào “xây dựng gia đình văn hóa”, tích cực lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Hạnh phúc gia đình trẻ

Lan tỏa “tế bào khỏe mạnh”

Hàng ngày, ông Nguyễn Văn Xuân và vợ là bà Nguyễn Thị Chung ở khu 7, phường Nông Trang, TP Việt Trì duy trì đều đặn việc luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe. Ông bà Xuân-Chung chia sẻ: “Mình khỏe mạnh thì con cháu mới yên tâm công tác, học tập; mình cũng chăm sóc được cháu con và tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương”. Ở độ tuổi thất thập, ông bà khá viên mãn bởi kinh tế thuộc diện khá giả, các con đều có công việc ổn định, các cháu chăm ngoan, học tốt, sống có tình nghĩa với bạn bè, bà con khu phố và tích cực tham gia các phong trào thi đua do cơ quan, địa phương phát động. Bản thân ông Xuân, với cương vị Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu 7 luôn là đầu tàu gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy đoàn kết xây dựng khu 7 ngày càng văn minh, hiện đại. Hiện ông bà và các con đều là những hạt nhân phong trào văn hóa văn nghệ của khu. Các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, câu lạc bộ dưỡng sinh không chỉ có các bác, các cô, các bà đã nghỉ hưu tham gia mà đang được trẻ hóa bởi nhiều vận động viên, diễn viên là cán bộ công chức, viên chức, người lao động sinh sống, làm việc trên địa bàn khu phố. Sự nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu của ông Xuân và gia đình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao, nhân dân mến phục và tin tưởng làm theo. Năm 2022, khu 7 là một trong hai khu của phường Nông Trang được Thành phố Việt Trì công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa tiêu biểu 5 năm liền, 98% số hộ trong khu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền.

Đối tượng chính sách, có bố hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông Hán Xuân Hải ở khu 4, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh không chỉ phát huy tốt truyền thống cha ông, có con trai đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự mà còn là gia đình có bốn thế hệ chung sống hoà thuận, kinh tế ngày càng phát triển. Ông Hải cho biết: Mẹ tôi năm nay tròn 85 tuổi, vợ chồng tôi gần 60 tuổi, vợ chồng con trai mới ngoài hai mươi tuổi và đứa cháu vừa sinh năm 2022, cùng sinh sống trong một mái nhà. Vì sự cách xa tuổi tác nên nếp nghĩ cũng có lúc khác nhau, để gia đình êm ấm, hạnh phúc thì mọi thành viên phải đặt tình yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia lên trên hết. Đặc biệt, mẹ tôi luôn là chỗ dựa tinh thần, tấm gương mẫu mực cho cả gia đình. Mẹ thường dạy con cháu sống phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Hàng năm, gia đình tôi luôn đạt gia đình văn hóa, mẹ tôi là người cao tuổi luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, mọi người kính trọng”.

Vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội cũng là thành công của nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể các gia đình các ông Đặng Trung Kiên, Bùi Quang Thắng, Bùi Quang Đại ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy. Mô hình trồng bưởi, cam, chanh chất lượng cao của gia đình ông Đặng Trung Kiên đem lại thu nhập khoảng một tỷ đồng mỗi năm, tạo công việc cho 14 lao động; mô hình trồng nấm, mộc nhĩ của gia đình ông Bùi Quang Thắng, ông Bùi Quang Đại thu nhập mỗi hộ từ 450-500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 8-12 lao động. Hàng năm gia đình các ông đều đạt gia đình văn hóa, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Phong trào “xây dựng gia đình văn hóa” đã và đang phát triển sâu rộng, ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa được thể hiện qua nhiều phong trào ý nghĩa, như “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”… Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có gần 364.800 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 88,8%. Với lối sống gương mẫu, trân trọng các giá trị tốt đẹp của gia đình, trách nhiệm với cộng đồng, các gia đình văn hóa đã và đang góp phần nêu gương, vun đắp giá trị văn hóa gia đình, xây dựng khu dân cư đoàn kết, gắn bó.

Ông Nguyễn Văn Xuân và bà Nguyễn Thị Chung cùng các con cháu. (Ảnh gia đình cung cấp)

Gia đình bình yên -xã hội hạnh phúc

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 413.352 hộ gia đình, trong đó có 56.595 hộ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con, 48.605 gia đình một thế hệ (vợ, chồng), 195.133 gia đình hai thế hệ, 91.748 hộ gia đình ba thế hệ trở lên, số hộ gia đình khác 21.271 hộ.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò rất quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội, tỉnh đã ban hành và tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng thời chú trọng tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, bình xét công nhận gia đình văn hóa theo đúng các tiêu chí quy định. Tập trung tổ chức các hoạt động vào dịp: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được mô hình phòng, chống bạo lực gia đình thu hút sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là nam giới. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thanh Xuân – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch): “Các câu lạc bộ đã làm tốt vai trò là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, tư vấn cho hội viên trong việc phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt và giữ gìn hạnh phúc gia đình; đồng thời là đầu mối kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, ngăn ngừa bạo lực gia đình. Nhiều mô hình mới, cách làm hay về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và nhân rộng góp phần phát huy vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với cộng đồng xã hội”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thuận lợi thì việc xây dựng gia đình Việt Nam và thực hiện Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức, đó là: Một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ có lối sống thờ ơ vô cảm; tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình, tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng; công tác xóa đói giảm nghèo tuy có kết quả, nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao… Năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 81 vụ bạo lực gia đình và đều đã được xử lý theo từng mức độ, hình thức khác nhau song vẫn là những nỗi đau cho mỗi gia đình và ảnh hưởng đến sự ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, cùng với cả nước, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Đất Tổ tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, từ đó tạo nền tảng vững chắc hình thành con người văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.

Thùy Dương

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/nen-tang-xa-hoi-van-minh-hanh-phuc/191214.htm