“Con trai thì có mất gì đâu” là lý do được rất nhiều bậc phụ huynh đưa ra khi con mình bị xâm hại!
Sau vụ án Minh Béo (2016) và tiếp đó là Nguyễn Khắc Thủy (kéo dài từ 2016 đến 2018 mới kết thúc), đến gần một năm nay, nạn xâm hại tình dục trẻ em mới lại một lần nữa thu hút quan tâm cao độ của dư luận.
Nghe có vẻ như trong suốt khoảng thời gian đó, những vụ án tương tự đã giảm đi, nhưng không. Đây là các con số thống kê từ Bộ Công an.
Chưa kể còn không ít vụ không được phát hiện, tố giác hoặc không đủ chứng cứ để xử lý theo pháp luật.
Trên bình diện nhận thức chung của xã hội và riêng các phụ huynh có con trong độ tuổi thiếu nhi, có vẻ như sự hiểu biết và cảnh giác đã được nâng lên. Nhà có con gái luôn có sự đề phòng nhất định đến an nguy của con. Đưa đón đầy đủ, theo sát lien tục.
Nhưng nếu nạn nhân là trẻ em trai thì sao? Rất tiếc, có những phụ huynh, và ngay cả một số người làm công việc bảo vệ pháp luật cũng chưa nhận thức đủ về điều này.
Năm ngoái, có một vụ xâm hại tình dục trẻ trai – con của một người bạn tôi là nạn nhân. Cô ấy kể, cô đưa con trai vào chung cư chơi ở nhà một người bạn thân. Chung cư rất quen thuộc, con cô ấy đã đến nhiều lần nên khi ra về, cháu bé đi trước mẹ vài phút thì cô vẫn không lo sợ. Nhưng chỉ trong vài phút đó, con của cô đã bị một tên đàn ông dâm ô, ngay trên hành lang chung cư, dưới mắt những người qua lại.
Cô kể, lúc không nhìn thấy con đâu, cô gọi nhiều lần thì nghe con đáp lại, giọng hốt hoảng. Cô chạy nhanh xuống thì thấy bóng một người đàn ông rời đi. Con cô lúc đó vẫn bình thường, nhưng đêm về bắt đầu ngủ không yên, hay ác mộng, hốt hoảng, sợ hãi và luôn muốn có mẹ bên cạnh. Vài ngày sau cháu mới kể: có một người đàn ông kéo cháu lại, tụt quần cháu và sờ soạng. Cháu được mẹ dạy rất kỹ nên cố giật khẩu trang của tên kia ném ra xa và kêu ầm lên.
Khi mẹ cháu đến công an phường sở tại trình báo, “câu đầu tiên ông trưởng công an hỏi: con gái hay con trai? Em bảo là con trai thì ông ấy thở phào ra. Xong ông ấy nói: Tưởng là con gái… chứ con trai thì đâu có gì đâu”-cô ấy kể lại cho tôi.
Cho đến hôm qua, báo chí đưa tin một thầy giáo dạy Toán ở Hà Nội bị tố cáo đã xâm hại tình dục 7 học sinh nam độ tuổi cấp 2.
Đáng nói là khi các cháu bé báo cho gia đình thì đã có phụ huynh bảo “Thầy quý thì thầy mới làm thế. Thầy chỉ sờ thôi chứ có làm gì đâu”. Một tâm lý thật bất bình thường!
Trong cả hai câu chuyện trên, nếu em bé bị dâm ô là trẻ em gái, tôi nghĩ rằng đã khác. Ông trưởng công an phường sẽ tìm hiểu và điều tra vụ việc, hoặc ít nhất sẽ không thở phào và bảo tưởng là con gái (thì mới nghiêm trọng, đáng quan tâm).
Phụ huynh nọ sẽ-căn cứ theo các phản ứng thường gặp của phụ huynh trên mạng xã hội-đòi vác dao xử bằng được kẻ khốn nạn, rồi ở tù cũng chịu!
À, (dù vẫn là con đứt ruột đẻ ra) nhưng đây lại bé trai. Lý lẽ của các vị trên có phản ứng như trên thường là:
Trước khi bàn tiếp chuyện dâm ô bé trai và quan niệm của phụ huynh và xã hội, mời bạn đọc tiếp một câu chuyện.
Khoảng 15 h ngày 1/3/2019 vừa qua, ông Dương Trọng Minh (38 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) dạy phụ đạo cho học sinh, sau khi đã uống rượu. Quá trình dạy, ông Minh đã véo tai, véo mũi, dí tay vào vai, xoa lưng, vỗ mông một số học sinh nữ.
Học sinh về kể với cha mẹ. Ngay tối đó, một số phụ huynh và đại diện chính quyền yêu cầu ông Minh làm rõ. Sau đó ông Minh ký vào biên bản làm việc, ghi nhận là đã “sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh”. Trong buổi làm việc với nhà trường sau đó, ông Minh thừa nhận đã véo mũi, véo tai, vỗ mông học sinh, là hành vi sai phạm và xin lỗi.
Gần một tuần sau, UBND huyện Việt Yên tổ chức họp báo. Phó chủ tịch huyện, ông Nguyễn Đại Lượng nói Công an huyện xác định chưa đủ căn cứ chứng minh ông Minh có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Theo ông Lượng, “quá trình làm việc với ông Minh và trình bày của học sinh cho thấy ông Minh chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số em. Kết quả kiểm tra dấu vết trên thân thể 14 học sinh lớp 5 cho thấy không có dấu vết nghi vấn”.
Các nhà báo có mặt đã hỏi nếu hành vi sờ đùi sờ mông học sinh nữ không phải “dâm ô” thì gọi là gì, ông Lượng nói “đó là hành vi xâm phạm thân thể học sinh. Dù là bày tỏ tình cảm yêu thương hay đùa vui thì hành vi đó cũng không phù hợp với vai trò người giáo viên đứng lớp”.
Việc một người đàn ông sờ đùi sờ mông học sinh nữ 11 tuổi không phải là dâm ô, chỉ vì kiểm tra không thấy dấu vết. Nhưng chỉ sờ thì làm sao mà có dấu vết?
Không bàn tới câu chuyện vĩ mô, ta vẫn thấy một việc sờ sờ rằng những hành vi như vậy còn có thể bị lờ đi, thì những vụ trẻ nam bị dâm ô (càng khó có dấu vết), một số người sẽ có thể xem nhẹ đến thế nào?
Đây là con số trẻ lang thang trên toàn quốc mới nhất mà tôi tìm được (nhưng đã cách đây tận 14 năm và tôi chưa tìm ra thống kê nào mới hơn). Số liệu này do Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em Việt Nam đưa ra vào 2005: cả nước có khoảng trên 9.000 trẻ em lang thang (tuy nhiên theo Unicef Việt Nam, con số thực tế cao hơn gấp đôi).
Theo một nghiên cứu của tác giả Đỗ Ngọc Phương-Viện Xã hội học, tỷ lệ trẻ trai lang thang cao gấp đôi trẻ gái: trung bình, hơn 70% trẻ lang thang là trẻ trai.
Vẫn theo khảo sát trên, trẻ trai lang thang thường làm các việc tự do ngoài đường phố như đánh giày, bán báo, bán vé số, bán hàng rong… và ăn cắp vặt. Cuộc sống của chúng hoàn toàn trên đường phố. Đặc biệt, số trẻ từ 11-13 tuổi chiếm đến khoảng 40% tại hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, trong đó trẻ dưới 10 tuổi chiếm đến hơn 20% tại TP HCM và 7,5% tại Hà Nội.
Số tuổi quá nhỏ và đời sống lang thang tại công viên, lề đường, sạp chợ… khiến trẻ em trai có nguy cơ cao bị xâm hại mọi mặt, trong đó có xâm hại tình dục cộng với bạo hành.
Cũng do hoàn cảnh sống lang thang, không được gia đình, nhà trường hay các tổ chức xã hội khác chăm sóc quyền lợi nên khi bị xâm hại, các trẻ em trai cũng không biết rõ hành vi đó là phạm pháp và mình có thể được pháp luật bảo vệ. Chúng chỉ chịu đựng, tìm cách bỏ trốn hoặc trong một số trường hợp là trả thù. Cả ba cách phản kháng này đều tiêu cực và trong một số trường hợp, từ nạn nhân của bạo lực và xâm hại, chúng trở thành kẻ phạm tội.
Các nghiên cứu tâm lý về trẻ bị xâm hại tình dục (thường kèm với bạo hành) cho thấy nếu không kịp thời được tư vấn tâm lý, chăm sóc tinh thần và thể chất đúng mức, chúng dễ bị tổn thương tâm lý kéo dài, có nguy cơ cao bị trầm cảm, tự thấy khinh bỉ bản thân và xã hội nên sống buông thả bất cần, hoặc nguy hại hơn là trở thành người đi xâm hại-bạo hành sau này. Cả trẻ trai lẫn trẻ gái đều vậy.
Quay lại đầu bài. Bạn thấy đấy, số vụ trẻ bị xâm hại qua các năm không giảm, nhưng nó chỉ được quan tâm khi có các vụ chấn động.
Tôi có hai năm may mắn đồng hành cùng một tổ chức tư vấn và chăm sóc trẻ bị xâm hại, có thể nói đó là tổ chức đầu tiên có những hoạt động tư vấn trực tiếp và lưu động khắp nhiều tỉnh thành phía Nam.
Chúng tôi rất buồn vì nhận thấy sự quan tâm của cả phụ huynh và xã hội là theo phong trào: phồng lên xẹp xuống khá lớn theo độ nóng của tin tức trên báo. Thế nhưng việc dạy dỗ kiến thức chống xâm hại cho trẻ kèm với rèn luyện cách đề phòng, phản kháng khi gặp sự cố phải được thực hiện thường xuyên, để trẻ hình thành thói quen và phản xạ.
Đằng này như chuồn chuồn đạp nước, tin trên báo nóng thì phụ huynh và xã hội hừng hực hơn hơ lửa. Nói hơi ngoa một tí thì không ít người muốn ngay lập tức sau một buổi tư vấn, trẻ đang ngơ ngác sẽ trở thành cao thủ biết cách tự vệ hiệu quả. Thì trách sao lâu lâu lại có người gạt nước mắt trên báo chí: “Em đâu có ngờ”.
Người mẹ trẻ tôi kể ở đầu bài đã đưa con đến Bệnh viện khám ngay lập tức, đồng thời thu thập bằng chứng, thưa kiện, khuấy động mạng xã hội và báo chí. Dưới sức ép của dư luận và các bằng chứng rõ ràng, sau đó Công an phường đã bắt được kẻ phạm pháp.
Con cái là do cha mẹ sinh ra và chịu trách nhiệm nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, đúng không? Vậy thì trước hết chính cha mẹ phải ý thức hết sức rõ ràng về việc dạy con đảm bảo sự an toàn, bất kể dư luận phồng hay xẹp. Tôi không muốn làm bạn sợ, nhưng hãy đọc các con số trong khảo sát mới nhất của Unicef, được công bố vào tháng 11/2017: