Năm học hứa hẹn nhiều đổi mới

Năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai ở tất cả các khối lớp, là năm đầu tiên học sinh khối lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới. Ngành GD&ĐT tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; tuyển sinh đầu cấp…, sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới.

Trường, lớp khang trang

Với quan điểm xuyên suốt: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tháng 9/2023 TP Hạ Long khởi công xây mới Trường THPT Ngô Quyền tại phường Hà Khánh. Công trình được quy hoạch, thiết kế trên diện tích 3,34ha, tổng mức đầu tư 147,7 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Xây dựng mới 2 khối nhà học 4 tầng, 1 khối hiệu bộ 4 tầng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.080 học sinh, tương đương 24 lớp học lý thuyết. Cùng với đó là hạ tầng đồng bộ các phòng học bộ môn, thư viện, phòng đa chức năng, khuôn viên cảnh quan… Sau 10 tháng thi công, công trình hoàn thành, đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, thẩm mỹ, sẵn sàng phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh nhà trường trong năm học mới.

Trường THPT Ngô Quyền (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) được xây mới, tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng.

Ngô Quỳnh Chi (học lớp 11A8, Trường THPT Ngô Quyền) chia sẻ: Trước đây Trường rất chật chội; sân nhỏ, hư hỏng, không thể triển khai được hoạt động giáo dục thể chất đa dạng; chưa có sân bóng đá, bể bơi, nhà đa năng, hội trường lớn dành cho các hoạt động tập thể; giao thông chật hẹp nên việc đi lại của học sinh khó khăn. Ngôi trường mới vừa hoàn thành, khang trang, hiện đại, đầy đủ phòng học và các phòng chức năng, sân bóng đá, bể bơi… Học sinh chúng em rất vui mừng, phấn khởi”.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 mỗi huyện có 1 trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao, tỉnh và địa phương đã dành nguồn lực xây dựng, cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất các trường học.

Năm học 2024-2025 có lẽ là năm học vui mừng, hân hoan, hạnh phúc nhất từ trước đến nay của cô và trò Trường THCS thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ). Bởi năm học này cô và trò nhà trường sẽ được học tập trong ngôi trường mới, khang trang, hiện đại.

Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, Trường THCS thị trấn Ba Chẽ được cải tạo, xây dựng, nâng cấp theo mô hình trường chất lượng cao của Bộ GD&ĐT quy định, thay thế cho ngôi trường đã xuống cấp, không đủ điều kiện theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Trường gồm 3 khối nhà cao 3 tầng, có trên 20 phòng học, phòng bộ môn, thư viện, nhà đa năng và các công trình phụ trợ; tổng mức đầu tư trên 101 tỷ đồng. Sau thời gian thi công, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng.

Phòng chức năng của Trường THCS thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) được đầu tư hiện đại.

Cô giáo Đỗ Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Ba Chẽ, cho biết: Sau nhiều năm phải học tập, giảng dạy trong ngôi trường xuống cấp, năm nay cô và trò nhà trường rất phấn khởi khi được tiếp quản ngôi trường mới bề thế, khang trang, sạch đẹp. Đây là nguồn động lực quan trọng tiếp thêm sức mạnh cho cô và trò nhà trường nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt. Giáo viên nhà trường đang tích cực vệ sinh phòng, lớp học…, chuẩn bị sẵn sàng đón năm học mới.

Anh Nguyễn Hải, Công ty CP Xây dựng Thương mại Mai Hưng – đơn vị thi công, cho biết: Năm nay mưa nhiều nên ảnh hưởng phần nào đến thi công công trình Trường THCS thị trấn Ba Chẽ. Đơn vị đã huy động máy móc, thiết bị, nhân lực làm việc 3 ca liên tục, đảm bảo hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao công trình vào cuối tháng 8 này. Đồng thời phối hợp với giáo viên nhà trường dọn vệ sinh sạch sẽ toàn bộ nhà trường, chuẩn bị đón năm học mới.

Lãnh đạo huyện Tiên Yên cắt băng khánh thành Trường Tiểu học Đông Ngũ.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh hiện là 90,5%, trong đó có 4/13 địa phương có tỷ lệ đạt 100% (Ba Chẽ, Cô Tô, Vân Đồn, Bình Liêu), dự kiến hết năm 2024 đạt 91% trở lên. Các trường, lớp học được đầu tư khang trang đưa vào sử dụng trước thềm năm học mới sẽ đảm bảo cho việc dạy tốt, học tốt của cô, trò các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng chính trị năm học 2024-2025. Ảnh: Hoài Minh

Năm học 2024-2025 toàn tỉnh có 637 cơ sở giáo dục, gồm: 222 trường mầm non; 156 trường tiểu học; 187 trường THCS; 58 trường THPT; 13 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, Trung tâm HN&GDTX tỉnh.

Để từng bước tháo gỡ tình trạng khó khăn về đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng giáo dục, căn cứ Quyết định số 2382-QĐ/BTCTW (ngày 6/12/2023) của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của tỉnh Quảng Ninh và Công văn số 7281/BNV-TCBC (ngày 12/12/2023) của Bộ Nội vụ về việc thực hiện bổ sung biên chế giáo viên, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 213/NQ-HĐND (ngày 10/7/2024) về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non (GDMN) và phổ thông công lập (PTCL) trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó bổ sung 238 biên chế sự nghiệp GDMN và PTCL năm 2024 cho Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện.

Cũng tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động trong các cơ sở GDMN và PTCL do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, giao bổ sung 1.145 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho các cơ sở  GDMN và PTCL nhóm 4 (do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) năm 2024. Cụ thể, Sở GD&ĐT được giao 50 hợp đồng lao động; UBND cấp huyện được giao 1.095 hợp đồng lao động.

Cô giáo Đinh Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Hà (TP Hạ Long), cho biết: Năm học 2024-2025 nhà trường có 850 học sinh. Để đáp ứng yêu cầu dạy và học 2 buổi/ngày theo quy chế của Bộ GD&ĐT, nhà trường còn thiếu 8 giáo viên. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp GDMN và PTCL và Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động trong các cơ sở GDMN và PTCL do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đã từng bước tháo gỡ khó khăn về đội ngũ giáo viên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Cô và trò Trường Tiểu học Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) hân hoan trong ngày đầu tựu trường.

Triển khai chương trình giáo dục năm học 2024-2025, các trường đã chủ động, linh hoạt thực hiện rà soát sắp xếp sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên. Trong đó, sử dụng hiệu quả hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục bổ sung học liệu số các môn học để triển khai dạy học trực tuyến ở các môn học và một số hoạt động giáo dục; linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp để hỗ trợ giáo viên các đơn vị, địa phương còn thiếu giáo viên cục bộ; phân công bố trí giáo viên dạy liên trường cùng cấp học để giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ môn học; phân công giáo viên các môn học chung: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục cấp THCS hỗ trợ các trường tiểu học và ngược lại.

Cùng với đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện khoa học, theo lộ trình, kịp thời, đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng dần về chất lượng, từng bước khắc phục một phần bất hợp lý về cơ cấu. Trước thềm năm học mới, ngành GD&ĐT tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 30.119 lượt cán bộ, giáo viên.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm việc chuẩn bị SGK, tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9, lớp 12; phối hợp với các nhà xuất bản có SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 đã được phê duyệt để tổ chức hội nghị giới thiệu sách đến các địa phương, cơ sở giáo dục bằng các hình thức thiết thực; tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên sử dụng SGK. Đến nay 100% học sinh trong tỉnh có đủ SGK.

Với sự quan tâm sâu sát của tỉnh và các địa phương, nỗ lực của ngành GD&ĐT tỉnh, sự chung tay ủng hộ của phụ huynh, năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo, giáo dục tỉnh tin tưởng tiếp tục gặt hái nhiều thành công, phát triển đột phá về chất lượng, đóng góp ngày càng to lớn vào sự phát triển của tỉnh.

8 giờ ngày 5/9/2024 tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng. Lễ khai giảng yêu cầu tổ chức trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, thời gian không quá 60 phút với các nội dung: Đón học sinh đầu cấp; nghi thức chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường.

Cao Quỳnh

Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/nam-hoc-hua-hen-nhieu-doi-moi-3315637.html