Tuổi thọ trung bình toàn thế giới được sự đoán sẽ tăng 4,4 năm.
Vào năm 2040, người dân ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều sẽ sống lâu hơn. Nhưng bảng xếp hạng các quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất sẽ thay đổi đáng kể.
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Y khoa Lancet, Tây Ban Nha được dự đoán là sẽ vượt mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Đáng bất ngờ hơn, người dân Trung Quốc sẽ sống lâu hơn người dân ở Mỹ vào năm 2040.
Đông Nam Á có một quốc gia lọt vào top 3 trong bảng xếp hạng là Singapore.
Năm 2040, người Trung Quốc sẽ sống lâu hơn người Mỹ, Nhật Bản không còn là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất
Theo nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người Tây Ban Nha sẽ tăng lên 85,8 trong 22 năm nữa để soán ngôi Nhật Bản với 85,7 tuổi. Theo sau ở vị trí thứ 3 là một quốc gia Đông Nam Á. Người Singapore sẽ có tuổi thọ trung bình là 85,3 vào năm 2040.
Tám trong số các nước được xếp hạng trong top 10 quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất năm 2016 sẽ vẫn nằm trong top 10 vào năm 2040. Nhưng ở phía dưới bảng xếp hàng này, nhiều quốc gia sẽ có một sự hoán đổi vị trí ngoạn mục.
Chẳng hạn như Trung Quốc sẽ leo từ vị trí 68 lên vị trí 39, khi người dân của họ sẽ đạt tới độ tuổi trung bình là 81,9 vào năm 2040. Con số vượt qua Mỹ, quốc gia tụt từ vị trí 43 xuống vị trí 69, với tuổi thọ trung bình là 79,8.
Theo số liệu này, mỗi người Mỹ sẽ chỉ tăng được 1,1 tuổi thọ trong 22 năm tới, thấp hơn đúng 4 lần so với mức tăng của toàn thế giới là 4,4 tuổi.
Không riêng gì Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng sẽ tụt hạng nghiêm trọng bao gồm: Canada (từ hạng 17 xuống 27), Na Uy (từ 12 xuống 20), Úc (từ hạng 5 xuống hạng 10), Mexico (từ 69 xuống 87), Đài Loan (từ 35 xuống 42) và Triều Tiên (từ 125 xuống 153 ).
Các quốc gia tăng hạng đáng chú ý là Indonesia ( từ 117 lên 100), Nigeria (157 lên 123), Bồ Đào Nha (từ 23 lên hạng 5), Ba Lan (48 lên 34), Thổ Nhĩ Kỳ (40 lên 26) và Ả Rập Xê Út (61 lên 43).
Nghiên cứu còn dự đoán trường hợp chiến tranh Syria kết thúc, tuổi thọ trung bình của quốc gia này sẽ dần tăng từ hạng 137 trong năm 2016 lên hạng 80 vào năm 2040.
Đối với thế giới nói chung, các nhà nghiên cứu dự đoán tuổi thọ trung bình sẽ tăng từ 73,8 năm 2016 lên 77,7 vào năm 2040. Có một số kịch bản tốt đẹp còn dự đoán con số lên tới 81 tuổi, nhưng cũng có kịch bản xấu nói chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ ở tuổi gần 74.
Mỗi người Mỹ sẽ chỉ tăng được 1,1 tuổi thọ trong 22 năm tới, thấp hơn đúng 4 lần so với mức tăng của toàn thế giới là 4,4 tuổi
DỰ ĐOÁN TOP 10 QUỐC GIA CÓ TUỔI THỌ CAO NHẤT THẾ GIỚI VÀO NĂM 2040
1. Tây Ban Nha (85,8 tuổi)
2. Nhật Bản (85,7 tuổi)
3. Singapore (85,4 tuổi)
4. Thụy Sĩ (85,2 tuổi)
5. Bồ Đào Nha (84,5 tuổi)
6. Ý (84,5 tuổi)
7. Israel (84,4 tuổi)
8. Pháp (82,3 tuổi)
9. Luxembourg (84,1 tuổi)
10. Úc (84,1 tuổi)
“Sức khỏe thế giới trong tương lai là điều không thể dự đoán chính xác hoàn toàn được“, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học dữ liệu Kyle Foreman tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), Đại học Washington, cho biết.
Nhưng chúng ta vẫn có thể thấy trước tương lai của tuổi thọ trung bình, nó sẽ gia tăng hay trì trệ quyết định bởi hệ thống y tế của chúng ta có tốt lên hay không và các yếu tố chính quyết định sức khỏe.
Có 5 yếu tố hàng đầu quyết định đến tuổi thọ trung bình và tất cả đều liên quan đến các bệnh “lối sống” đó là: huyết áp cao, thừa cân, đường huyết cao, cùng với rượu và thuốc lá.
Yếu tố đứng ở vị trí thứ 6 là ô nhiễm không khí, mà các nhà khoa học ước tính sẽ gây ra 1 triệu cái chết mỗi năm chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
Nhiều yếu tố lối sống, trong đó có hút thuốc lá, sẽ làm giảm tuổi thọ con người
Nhìn chung, cả thế giới sẽ có một cuộc chuyển mình, khi dữ liệu dự đoán nhóm bệnh không truyền nhiễm và chấn thương sẽ gây ra nhiều cái chết hơn bệnh truyền nhiễm.
Theo nghiên cứu được tiến hành cứ 2 năm một lần, các bệnh không truyền nhiễm và chấn thương chiếm 4 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm vào năm 2016. Nhưng đến năm 2040, 8 nguyên nhân bao gồm: bệnh tim, phổi và thận, đột quỵ, bệnh Alzheimer, bệnh tiểu đường, ung thư phổi và chấn thương do tai nạn giao thông – sẽ đều nằm trong top 10.
Các quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm 2018 sẽ tiếp tục xếp chót bảng. Ngoại trừ Afghanistan, 30 quốc gia có tuổi thọ trung bình vào năm 2040 thấp nhất – dự kiến dao động trong khoảng 57 đến 69 tuổi – đều ở vùng Châu Phi cận Sahara hoặc các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương như Lesotho, Cộng hòa Trung Phi, Zimbabwe, Somalia và Swaziland.
“Sự mất cân bằng sẽ tiếp tục được nới rộng“, Giám đốc IHME Christopher Murray nói. “Tại một số lượng lớn các quốc gia, vẫn có quá nhiều người thu nhập thấp, được giáo dục kém và tử vong sớm”.
“Nhưng các quốc gia này có thể tiến bộ nhanh hơn bằng cách giúp mọi người giải quyết những rủi ro chính, đặc biệt là hút thuốc và chế độ ăn uống kém lành mạnh“, Murray nói thêm. Chỉ riêng thuốc đã giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tham khảo Scmp