Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ đã khẳng định rằng việc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer được điều tới Biển Đông là “hoạt động tự do hàng hải” trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Lực lượng Hải quân Mỹ hôm thứ 6 (13/9) đã điều một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này. Đáp lại, phía Bắc Kinh cũng đã điều các tàu chiến và máy bay quân sự tới ngăn cản tàu chiến Mỹ, Japan Times đưa tin.
Trong một tuyên bố trước đó, Hải quân Mỹ đã khẳng định rằng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đang tiến hành “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Phát ngôn viên của Hạm đội 7 của lực lược Hải quân Mỹ, sĩ quan Reann Mommsen, cho biết việc tàu USS Wayne E. Meyer xuất hiện tại vùng biển này cũng là hành động “phản đối tuyên bố năm 1996 của Trung Quốc về cái họ gọi là đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Trung Quốc tuyên bố đã “trục xuất” tàu khu trục Mỹ
Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết phía họ đã phát cảnh cáo tới tàu USS Wayne E. Meyer của Mỹ và yêu cầu tàu này rời khu vực gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) vì đã “xâm phạm” vào cái mà họ trắng trợn tuyên bố là “vùng biển của Trung Quốc”.
Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ của lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), ngang nhiên cáo buộc Mỹ có hành động “bá chủ” trên biển Đông, “làm suy yếu nghiêm trọng các lợi ích của Trung Quốc”
“Điều này chứng minh rằng phía Mỹ hoàn toàn thiếu chân thành trong việc duy trì hòa bình toàn cầu, cũng như an ninh và ổn định trong khu vực”, phát ngôn viên Li nói.
Bên cạnh đó, Li còn huênh hoang cho biết, trước hành động của Mỹ, Hải quân và Không quân PLA đã tiến hành theo dõi, cảnh báo và trục xuất tàu USS Wayne E. Meyer khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Tháng trước, tàu USS Wayne E. Meyer cũng thực hiện một nhiệm vụ “tự do hàng hải” tương tự trên Biển Đông, trong đó tàu này đã tiến vào phạm vi 12 hải lý (22 km) gần Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc mạnh mẽ cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chiến thuật bắt nạt”trên Biển Đông và chỉ ra chuyện Trung Quốc “can thiệp cưỡng ép” vào hoạt động dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.
Dù không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ đều thường xuyên khẳng định cam kết duy trì khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.
“Các lực lượng quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành nhiệm vụ tự do hàng hải trên toàn thế giới, bao gồm cả trên Biển Đông, đây là một trong những hoạt động hàng ngày của chúng tôi,” phát ngôn viên Mommsen nói.
“Các nhiệm vụ FONOP được thực hiện một cách hòa bình và không thiên vị hoặc chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào”, bà Mommsen khẳng định.
Tàu USS Wayne E. Meyer được điều tới Biển Đông thách thức Trung Quốc hôm thứ 6 vừa qua. Ảnh: Reuters.
Liên quan tới việc các nước Mỹ, Anh gần đây điều tàu chiến tới Biển Đông để thách thức Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ lập trường của Việt Nam trong phát biểu ngày 12/9 như sau:
“Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực.
Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật , tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này, bà Hằng cho biết.”