Mường Phăng huyền thoại

Tôi đến Điện Biên mấy lần, nhưng chỉ là đi công tác, thời gian ngắn nên dù muốn cũng chỉ thăm được chớp nhoáng. Lần này, nhân đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, tôi cùng gia đình quyết định lên Điện Biên mà đích đến là Mường Phăng. Nơi gần 70 năm về trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra những quyết sách quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Lần đầu tiên chúng tôi xa nhà vào dịp Tết, những ngày xuân đẹp lộng lẫy như thu cả bốn mùa xuân hạ thu đông vào trong một chuyến đi. Sau một ngày vui chơi trên thảo nguyên Mộc Châu, chúng tôi đã có một hành trình ngược sông Mã oai hùng để tới Điện Biên. Trong tiết trời xuân Tây Bắc, dã quỳ hai bên đường nở hoa vàng xuộm, những bông hoa chuối rừng cũng rực lên đỏ chói. Hoa mận, hoa mơ trắng xóa… Núi rừng biếc xanh, chồi non nảy lộc. Người vùng cao cũng tươi mới hơn bởi sắc màu váy áo thổ cẩm, mà cứ hễ Tết là họ mặc đẹp, chẳng kể giàu nghèo.
Đi trên quốc lộ 6 hướng về Điện Biên. Đâu đó âm hưởng những ca từ trong bài hát “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sỹ Nguyễn Thành vang lên khe khẽ trong tâm khảm tôi thật hào sảng và tự hào “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh cha già”… Cũng con đường này cách đây 69 năm (1954) chở che cho những đại đoàn quân, những đoàn dân công trùng trùng điệp điệp xẻ núi, băng rừng hành quân ra mặt trận với lời thề quyết tâm giải phóng Điện Biên. Còn hôm nay là con đường công nghiệp hóa, cả nước hướng về đồng bào các dân tộc Tây Bắc “Tay nắm tay một lòng, không phân biệt xuôi ngược cùng dựng xây tươi đẹp nước non nhà”.
Đây rồi, “Rừng Đại tướng”! Cánh rừng nguyên sinh, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc như vẫn đượm không khí của những ngày chiến dịch. Trong “Rừng Đại tướng” – tên thân thương mà bà con nơi đây vẫn hay gọi, chúng tôi được đắm mình vào không gian của đại ngàn, được thỏa mắt ngắm nhìn từng gốc dẻ, dổi, ké, khẻ mu…vươn cao kiêu hãnh một vùng trời, từng chở che cho bao cán bộ, chiến sĩ ta trong những ngày kháng chiến. Tại đây chúng tôi được nghe thuyết minh viên truyền đạt những tư tưởng và chiến lược, quyết sách chỉ đạo chiến dịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Từ phương châm đánh nhanh, thắng nhanh thành đánh chắc, thắng chắc; đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông bởi nếu đánh nhanh, thắng nhanh trong 3 đêm 2 ngày là rất mạo hiểm sẽ không tránh khỏi thất bại và tiêu hao sinh lực cho phía ta. Tôi còn nhớ một câu nói của vị Nguyên soái Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ II là: “Nếu ngoài mặt trận, người chỉ huy có thêm một sợi tóc bạc thì ở hậu phương sẽ bớt đi một vành khăn tang”. Có lẽ Đại tướng thấm nhuần câu nói ấy mà ông thức trắng trong đêm 25-1-1954 để đi đến Quyết định cuối cùng là thay đổi phương châm đánh địch.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.

Chúng tôi lần lượt tham quan chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc, đài quan sát, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng bên lán Đại tướng, qua câu chuyện với cô hướng dẫn viên, ngoài những chuyện mà báo chí đã thông tin, chúng tôi càng hiểu thêm về phẩm chất và thiên tài văn võ song toàn của Đại tướng. Địa hình Mường Phăng được Đại tướng chọn làm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và ở từ tháng 1-1954, rất gần với chiến trường, chỉ cách khoảng trên 10 cây số đường chim bay. Rừng Mường Phăng có một đỉnh rất cao khoảng 1700 mét so mặt nước biển. Hằng ngày, Đại tướng vẫn trèo lên đỉnh ngọn núi ấy để quan sát bằng ống nhòm rất rõ về Mường Thanh nơi đang diễn ra các trận chiến đấu ác liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp. Tôi cũng được nghe người dân ở đây kể rằng, lúc đó, các già làng của bản không biết có bộ đội ở trong rừng, chỉ khi chúng ta toàn thắng Điện Biên Phủ, họ mới biết trong đó có Bộ chỉ huy chiến dịch.
Đến Mường Phăng – Trung tâm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ mới thấy kéo pháo vào trận địa là cả một vấn đề rất lớn. Lúc bấy giờ trình độ kỹ thuật của ta chưa thể tháo rời từng bộ phận mà phải kéo nguyên cả khẩu pháo nặng nề, nên rất khó khăn và nguy hiểm (còn nhớ Anh hùng Tô Vĩnh Diện phải lấy thân mình chèn pháo). Khó khăn là vậy, nguy hiểm là vô cùng nhưng Đại tướng lệnh phải kéo pháo ra vì chưa đến thời điểm. Và rồi thời khắc làm nên lịch sử đã đến. Pháo ta đã gầm, quân ta ào ào xông trận. Các cửa ngõ phòng thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ như Him Lam, Hồng Cúm, Độc Lập, Bản Kéo… bị vô hiệu hoá, vì quá bất ngờ. Đồi A1 bị hất tung bởi quả bộc phá gần một tấn thuốc nổ. Đồi C1, D1 và các lô-cốt, các đài quan sát của địch bị tê liệt hoàn toàn. Sân bay Mường Thanh nằm trong tầm kiểm soát của bộ đội ta, máy bay địch không thể hạ cánh để chi viện binh lính, lương thực. Hết phương chống đỡ, không thể chạy trốn, tướng Đờ cátxtơ ri và hàng ngàn quan quân Pháp phải phất cờ trắng đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã toàn thắng, bắt sống tướng Đờ Cat xtơ ri cùng toàn bộ tham mưu và hơn 16.200 tù binh…
Về Mường Phăng, hơn lúc nào hết chúng ta càng hiểu thêm giá trị của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như một chân lý. Thời gian nắng mưa càng làm lấp lánh thêm những huyền thoại của lịch sử trên vùng đất này.

Ghi chép của Đỗ Xuân

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-phong-su-va-ghi-chep/-/details/20182/muong-phang-huyen-thoai