Muốn con trưởng thành mạnh mẽ, độc lập, cha mẹ đừng lạm dụng 5 kiểu an ủi con sai lầm này: Tưởng là trấn an, vỗ về nhưng thực ra là hại con

Nhiều phụ huynh thường chỉ chú ý đến sự phát triển về thể chất, sức khỏe, trí tuệ của con mà quên mất rằng, việc phát triển tinh thần, cảm xúc cũng rất quan trọng. Những lời nói quen thuộc có thể vô tình khiến con bạn phát triển về mặt tinh thần sai lệch.

Một người cha dắt con trai 8 tuổi vào tới phòng khám của bác sĩ tâm lý và nói: “Tôi rất tự hào về con trai mình. Thằng bé rất mạnh mẽ. Nó không khóc một lần nào kể từ khi bà nội mà nó yêu quý nhất qua đời”.

Đó là một ví dụ điển hình về việc sức mạnh tinh thần bị hiểu sai và biến thành một thông điệp độc hại cho trẻ em. Mặc dù người cha có ý định tốt, nhưng lời nói của ông lại có khả năng gây hại khá nhiều cho trẻ.

“Không khóc” không phải dấu hiệu của sự mạnh mẽ. Sức mạnh tinh thần liên quan đến việc nhận thức sâu sắc về cảm xúc và biết các thể hiện chúng theo những cách lành mạnh.

Những từ ngữ cha mẹ sử dụng để giao tiếp với trẻ có thể tác động rất nhiều đến tâm lý. Chúng có thể gửi thông điệp sai lệch, khiến trẻ mất đi sức mạnh tinh thần để có thể đạt được tiềm năng lớn nhất. Dưới đây là 5 điều bạn nên ngừng nói với con nếu muốn chúng có một tinh thần mạnh mẽ:

1. “Chuyện đó chẳng có gì to tát cả”

Cho dù con bạn đang lo lắng về buổi trình diễn văn nghệ sắp tới hay e ngại rằng bạn học cùng lớp không muốn chơi cùng, phụ huynh đừng tìm cách xoa dịu sự căng thẳng của trẻ bằng cách nói: Chuyện đó chẳng có gì to tát cả.

Với trẻ con, đó là những vấn đề nghiêm trọng và chúng đang cố thể hiện rằng cần sự giúp đỡ của cha mẹ để giải quyết những cảm xúc đó. Vì thế, thay vì khăng khăng yêu cầu con hãy quên những lo lắng đó đi, phụ huynh sáng suốt cần hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cần thiết để đối phó với những cảm xúc tiêu cực.

2. “Nín khóc ngay”

Muốn con trưởng thành mạnh mẽ, độc lập, cha mẹ đừng lạm dụng 5 kiểu an ủi con sai lầm này: Tưởng là trấn an, vỗ về nhưng thực ra là hại con - Ảnh 1.

Không có gì sai khi trẻ con khóc. Đó là một cách lành mạnh để bộc lộ cảm xúc. Rất nhiều người lớn thường xin lỗi khi ai đó bắt gặp họ rơi nước mắt, lý do vì khi còn nhỏ họ được dạy rằng khóc là xấu.

Tất nhiên, nếu như một đứa trẻ la hét và lăn lộn giữa cửa hàng tạp hóa để ăn vạ thì sẽ là một hành vi không phù hợp. Cha mẹ cần kiên nhẫn giải thích để trẻ hiểu rằng, hành vi đó làm phiền đến người khác và là điều không nên. Tuy vậy, thứ bạn cần điều chỉnh là hành vi chứ không phải cảm xúc của con.

3. “Con là đứa trẻ thông minh nhất ở trường”

Với nhiều phụ huynh, con họ luôn là đứa trẻ thông minh nhất, cầu thủ bóng đá giỏi nhất… Tuy nhiên, những lời khen quá mức như vậy lại đem đến nhiều tác hại hơn là lợi ích. Cha mẹ nên dành lời khen cho con một cách đúng đắn, tập trung nhiều hơn vào sự nỗ lực chứ không phải thành tích của trẻ.

Hãy nhấn mạnh rằng, trẻ đã thực sự cố gắng trong một thời gian dài và bạn đánh giá cao sự nỗ lực đó của con. Nếu bạn chỉ dành lời khen ngợi cho thành tích, trẻ sẽ có xu hướng tin rằng cần phải giành chiến thắng bằng mọi giá, kể cả gian lận hay làm tổn thương người khác để đạt được điều đó.

Muốn con trưởng thành mạnh mẽ, độc lập, cha mẹ đừng lạm dụng 5 kiểu an ủi con sai lầm này: Tưởng là trấn an, vỗ về nhưng thực ra là hại con - Ảnh 2.

4. “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”

Trong nhiều trường hợp, trấn an con rằng mọi thứ sẽ luôn ổn là việc bình thường. Nhưng đôi khi, thực tế không như vậy. Bạn không thể ngăn cản những khó khăn hay bi kịch xảy ra trong cuộc sống của con.

Vì thế, thay vì nói với trẻ rằng mọi chuyện sẽ ổn, không có điều gì tồi tệ xảy ra cả, hãy dạy con rằng chúng đủ mạnh mẽ để đối phó với bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Cha mẹ hãy là người hướng dẫn, cung cấp cho con những kỹ năng, công cụ để xử lý các thách thức không thể tránh khỏi trên đường đời.

5. “Bình tĩnh nào”

Các phụ huynh thường xuyên sử dụng câu nói này khi muốn con họ ngừng khóc, ngừng la hét mà không nhận biết chính xác được cảm xúc của trẻ.

Khi con bạn khóc vì buồn bã, gặp vấn đề, cha mẹ nên bình tĩnh để hướng dẫn cho con những kỹ năng cần thiết để lấy lại tinh thần. Sau đó, hãy chỉ cho con cách xử lý các tình huống, điều chỉnh cảm xúc bản thân khi cha mẹ không có bên cạnh. Dần dần, trẻ sẽ rèn luyện được cách làm dịu tâm trí và cảm xúc của bản thân trong các tình huống khó khăn.

Muốn con trưởng thành mạnh mẽ, độc lập, cha mẹ đừng lạm dụng 5 kiểu an ủi con sai lầm này: Tưởng là trấn an, vỗ về nhưng thực ra là hại con - Ảnh 3.

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu dạy cho trẻ những kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, ứng xử xã hội cần thiết. Một vài thay đổi nhỏ trong thói quen giao tiếp với trẻ cũng có thể giúp trẻ đạt được sự tiến bộ không ngờ. 

Mỗi ngày, bên cạnh việc quan tâm đến sự phát triển về thể chất, sức khỏe, cha mẹ thông thái hãy chú ý tới cả việc phát triển tinh thần và cảm xúc của trẻ. Đó là cách tự nhiên nhất để nuôi dạy những đứa trẻ thông minh, mạnh mẽ, trưởng thành trong tương lai.

theo BI