Không chỉ đóng khung trong sách vở, chữ nghĩa, chú trọng ghi chép… những tiết học Ngữ Văn ở THPT FPT (Hà Nội) thật khác lạ và tràn đầy hứng khởi.
Khám phá Văn học dưới lăng kính 3D
Mới đây clip ghi lại buổi “Báo cáo dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn Xã hội” của trường THPT FPT (Hà Nội) đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Người lái đò Sông Đà – nỗi ám ảnh của biết bao thế hệ học sinh, bóng ma mỗi mùa thi cử nay trở nên sống động qua hình ảnh 3D. Những câu chữ nổi tiếng của Nguyễn Tuân về sông Đà “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm” được tái hiện bằng hình ảnh, âm thanh sống động.
Người lái đò sông Đà 3D là sản phẩm của liên môn Ngữ Văn – Địa lý. 5 phút trải nghiệm công nghệ 3D đem đến nhiều cảm hứng khi học Người lái đò Sông Đà.
Học sinh được trực tiếp trải nghiệm, chơi game nhập vai điều khiển chiếc đò đi trên sông Đà, lướt vào thế giới đá vách thành, trùng vi thạch trận, cửa ải nước… kinh điển trong văn Nguyễn Tuân. Chỉ khi tự mình trải nghiệm trực tiếp thì những xúc cảm đến từ dòng chữ, câu văn của tác giả mới thật sự thấm thía đến người đọc người xem.
Một cư dân mạng bình luận: “Em chật vật ngày đêm học thuộc bài Người lái đò sông Đà, nếu học theo cách mới này thì có lẽ khi vào phòng thi sẽ có chút ấn tượng và dễ hình dung hơn rồi.”
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, video đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng mạng cũng như giới chuyên môn. Ngoài việc tìm hiểu văn bản, cảm thụ văn học truyền thống, trong khoảng thời gian ngắn, công nghệ 3D đã đem đến một gia vị mới mẻ cho bài học, khiến học sinh hứng thú với tác phẩm hơn.
Đặc biệt, hầu hết người xem đều bày tỏ sự trầm trồ, choáng váng khi những hình ảnh 3D thú vị này lại được thực hiện bởi Nguyễn Lân – cậu bạn mới đang là học sinh lớp 11 trường THPT FPT (Hà Nội).
“Quét” sách ra bài giảng multimedia
THPT FPT cũng sử dụng những ứng dụng di động để tạo ra những hiệu quả bất ngờ. Khi học sinh dùng các thiết bị thông minh quét hình ảnh, mã code trên sách sẽ hiện ra slide thông tin về tác giả, tác phẩm, audio hoặc video bài giảng.
Bí mật của cách học này ẩn chưa bên trong cuốn giáo trình công nghệ được mã hoá nhiều bài giảng dưới nhiều hình thức multimedia khác nhau. Không còn những đoạn văn bản dài trên giấy, giờ đây các kiến thức quan trọng được thể hiện ngắn gọn và thông minh bằng sơ đồ tư duy, file âm thanh và các video sinh động khiến việc học ngữ văn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tham gia vào dự án này, 4 bạn học sinh Trần Khánh An, Ngô Phúc Lâm, Trịnh Vũ Hưng, Lê Nguyễn Quang Dũng (lớp 12A1- THPT FPT) đã hỗ trợ thầy cô làm slide, audio bài giảng, tuy nhiên các thầy cô vẫn là người đảm bảo tính chuyên môn
Để có được một quyển sách 4.0 nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ kiến thức cần học các thầy cô mất rất nhiều thời gian, công sức: bố cục bài giảng lại xem phần nào dùng công nghệ, phần nào giảng dạy truyền thống, làm slide tóm tắt, thu âm, làm clip, đăng tải lên ứng dụng…
Cảm thụ thơ văn khi ở… đồi thông, bãi cỏ
Do có sẵn không gian xanh tuyệt vời tại campus Hòa Lạc nên các tiết Văn “dã ngoại” không phải là “món lạ” ở THPT FPT. Thay vì trải qua những tiết văn nhàm chán thầy giảng trò ghi, các học sinh THPT FPT sẽ được trải nghiệm những tiết học ngoài trời có một không hai mà vẫn đảm bảo tính chuyên môn và nội dung bài học.
Thầy cô thường chọn những tác phẩm có miêu tả thiên nhiên để tổ chức lớp học ngoài trời, các yếu tố ngoại cảnh sẽ giúp học sinh học “vào” hơn. Bạn Đặng Hà Kiên (10A10) chia sẻ: “Được học ngoài trời nên tinh thần của em phấn chấn hơn rất nhiều so với học trong lớp, ngồi điều hòa. Nhóm em được phân công tìm hiểu về nghệ thuật của bài thơ, tiết hôm ấy bọn em còn nghĩ ra được thêm nhiều ý hay ho và mới mẻ hơn nữa”.
Với những buổi học này, thầy cô thường phân công các nhóm tìm hiểu tìm hiểu nghiên cứu về tác phẩm, sau đó trình bày, phản biện lẫn nhau. Trong không gian mở, giờ học tương tác đem lại nhiều kiến thức và sự hứng thú cho học sinh.
Học Văn bằng hát, kịch
Học trò say sưa nghiên cứu tác phẩm Văn học, viết kịch bản, tập luyện rồi trình diễn trên sân khấu… Đó chính là một phương pháp học văn thú vị tại THPT FPT. Gala ngoại khoá văn học cuối năm là nơi học sinh THPT FPT biến hoá những chất liệu văn học một cách sáng tạo, hoà quyện nội dung truyền thống với âm nhạc, điệu múa, kịch đậm chất hiện đại.
Các tiết mục trong buổi gala thường rất phong phú: nào là kết hợp rap với múa đương đại, mix các câu chuyện cổ tích lại với nhau hay thậm chí thể hiện một góc nhìn mới của các bạn về câu chuyện cổ…
Học sinh THPT FPT múa, rap về chuyện Mị Châu – Trọng Thuỷ: “Dù chiến tranh xảy ra hay mưa sa và bão táp/Anh cũng sẽ mặc kệ tìm em dù gấp gáp/Tình yêu anh dành cho em đó là một sự thực/Nhưng chữ hiếu anh để trên đầu nên em – anh đành đánh mất”
Các tiết mục đều thể hiện với tinh thần vui vẻ, đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả song vẫn truyền tải được những thông điệp nhân văn mà các tác phẩm văn học mang lại. Đồng thời, phương pháp độc đáo này cũng giúp các bạn học sinh phát huy được khả năng sáng tạo, sự say mê với thế giới văn học.
Không chỉ môn Văn mà các môn học khác ở THPT FPT các bạn cũng học theo những cách khác biệt như vậy. Học theo phương pháp kiến tạo, làm dự án, thuyết trình, làm video, làm sự kiện, liên môn… kiến thức sách vở trở thành những trải nghiệm thú vị và được ghi nhớ sâu sắc. Những gì được học trong chương trình phát triển cá nhân (PDP) như tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm, lớp nghệ thuật… trở thành những kiến thức, kỹ năng hữu ích để học các môn chính khoá theo cách mới mẻ hơn.