Mức phạt nặng với các lỗi vi phạm giao thông mà người đi xe máy cần rất chú ý dịp Tết 2020

Ảnh CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn.

Dưới đây là mức phạt đối với các lỗi vi phạm giao thông mà người đi xe máy thường mắc và phải rất chú ý dịp Tết Nguyên đán 2020.

Nghị định 100 của Chính phủ thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 bổ sung, tăng nặng nhiều hành vi vi phạm đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy.

Trong đó, có một số lỗi vi phạm giao thông thường mắc phải trong dịp Tết Nguyên đán 2020 mà người dân cần rất chú ý:

Mức xử phạt cao nhất đối với người đi xe máy liên quan vi phạm nồng độ cồn

Nếu như Nghị định 46/2016 vẫn cho phép tỷ lệ cồn nhất định thì Nghị định 100 xử phạt từ 2 – 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hành vi này Nghị định 46 chỉ xử phạt 3 – 4 triệu đồng.

Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 chỉ xử phạt 1 – 2 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 22 – 24 tháng.

Chạy quá tốc độ

Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h. Trước đây, Nghị định 46 chỉ xử phạt 100.000 – 200.000 đồng.

Phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.

Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Nghị định 46 chỉ xử phạt 3 – 4 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 2 – 4 tháng.

Không đội mũ bảo hiểm

Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng đối với người điều khiển xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ. Nghị định 46 chỉ xử phạt 100.000 – 200.000 đồng.

Xử phạt người điều khiển xe chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Đi xe kẹp ba

Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng đối với người điều khiển xe Chở theo 2 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Đi xe kẹp bốn

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chở theo từ 3 người trở lên trên xe.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 – 3 tháng.

Đi sai làn đường

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều).

Đi vào đường cấm

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Vượt đèn đỏ

Phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 – 3 tháng.

Sử dụng điện thoại, đeo tai nghe

Phạt tiền từ 600.000 – 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 – 3 tháng.

Trước đó, trao đổi với PV, đại diện Cục CSGT khẳng định, lực lượng CSGT sẽ duy trì việc xử lý các lỗi vi phạm, trong đó, có nồng độ cồn và không để việc xử lý vi phạm nồng độ cồn chùng xuống trong những ngày Tết.

Hoàng Đan , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/thoi-su/muc-phat-nang-voi-cac-loi-vi-pham-giao-thong-ma-nguoi-di-xe-may-can-rat-chu-y-dip-tet-2020-82020231201552646.htm