Thế chiến thứ nhất trong lịch sử nhân loại là giai đoạn chứng kiến sự ra đời của nhiều loại vũ khí siêu nguy hiểm như máy bay, pháo, súng phun lửa, khí độc, xe tăng và những trang bị bảo hộ cá nhân như mũ bảo hiểm của người lính.
Những chiếc mũ bảo vệ cho binh lính trở thành vật dụng vô cùng quan trọng trong bối cảnh chiến trường đầy rẫy các hào lớn nhỏ, nơi để binh lính ẩn nấp để tránh bị địch phát hiện.
Tuy nhiên có rất nhiều loại đạn pháo có khả năng sát thương khủng khiếp, đặc biệt là loại đạn pháo có thể văng các mảnh kim loại làm tăng sức sát thương khi nổ. Như vậy nếu những quả đạn phải nổ gần chiến hào, nó có thể tạo ra những trận mưa kim loại và trực tiếp gây nguy hiểm cho phần đầu của các binh lính dưới hào.
Để tránh những nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến vùng đầu, người Đức đã nghiên cứu sử dụng mũ bảo hiểm có tên Pickelhaube.
Thoạt nhìn những chiếc mũ này trông khá đẹp mắt nhưng chất liệu bằng da của chúng không đủ cứng để ngăn đạn hoặc các mảnh đạn có nguy cơ găm vào đầu. Thêm vào đó, đỉnh mũi được làm nhọn càng dễ trở thành mục tiêu gây chú ý của kẻ thù.
Mũ Pickelhaube của quân đội Đức
Nhà khoa học người Đức, Friedrich Schwerd sau đó đã thiết kế lại chiếc mũ bảo vệ có tên Stahlhelm. Loại mũ này được làm bằng thép và bao phủ tốt hơn vùng đầu và cổ.
Binh lính thuộc phe Áo-Hung đội loại mũ bảo hiểm Stahlhelm trên mặt trận Ý ở thung lũng sông Isonzo
Đến năm 1940 và sau này là Thế chiến thứ hai, mũ đã có chút nâng cấp nhỏ để tăng độ bền, hiệu quả bảo vệ và giảm chi phí sản xuất. Kể từ khi xuất hiện đến nay, những chiếc mũ bảo hiểm đã trở thành điểm nhấn của quân đội Đức trong mọi cuộc chiến.
Mũ bảo hiểm Stahlhelm của quân đội Đức trong Thế chiến thứ hai
Hiện có rất nhiều biến thể của mũ bảo hiểm này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Dù là một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả đối phó với các mảnh đạn trong chiến đấu là rất cao.
Nhưng tất nhiên không chỉ người Đức mới quan tâm đến việc bảo vệ vùng đầu của binh lính. Cả người Pháp và Anh đều thấy sự cần thiết của việc phải có mũ bảo hiểm cho đầu. Họ đã nghiên cứu và cho ra mắt những phiên bản khác nhau của mũ bảo hiểm kể từ năm 1915.
Nếu như người Pháp có M5 Adrian, loại mũ bảo hiểm tiêu chuẩn của quân đội Pháp trong Thế chiến thứ nhất thì Anh cũng có những chiếc mũ tương tự.
Mũ bảo hiểm M5 Adrian của quân đội Pháp
Nhà phát minh người Anh có tên John Leopold Brodie là một trong những người chế tạo ra chiếc mũ bảo hiểm đem lại hiệu quả chống đạn cao nhất.
Hình ảnh các sỹ quan đội mũ bảo hiểm Brodie vào năm 1915
Mũ Brodie sử dụng một mảnh kim loại duy nhất và chế tạo bằng cách ép một tấm thép dày. Cách làm này giúp nó bền và rẻ hơn so với mẫu của Đức và Pháp. Mũ của quân đội Anh sau đó cũng được sử dụng nhiều trong Thế chiến thứ hai. Lúc đó, mũ còn được cải tiến với việc thêm lớp lót bên trong và dây đeo cằm co giãn. Nó được gọi là Mark I tại Anh và M1917 tại Mỹ.
Bộ binh Mỹ sử dụng mũ bảo hiểm Brodie hay M197 vào năm 1942 trong Thế chiến thứ hai
Hình ảnh mũ bảo hiểm Brodie hay M197 của Thủy quân lục chiến Mỹ
Tuy nhiên sau này, mũ dần bị thay thế bởi một loại mũ khác có tên M1 cũng xuất hiện trong Thế chiến thứ hai. Mũ bảo hiểm M1 gồm một lớp vỏ cứng bên ngoài và được loại bỏ lớp vành so với loại của Brodie. Binh lính trước đây từng phàn nàn về việc phần vành của mũ Brodie thường quá sắc và đôi khi còn phản chiếu ánh sáng tạo ra sự chú ý không cần thiết.
M1 trang bị một lớp lưới bên trong và có thể điều chỉnh để phù hợp với mũ bảo hiểm. Ngoài ra, M1 cũng có hai móc cho dây đeo cằm.
Cho đến ngày nay, những chiếc mũ Stahlhelm vẫn còn được sản xuất và giữ được nhiều giá trị nguyên vẹn. Mũ Stahlhelm có lớp vỏ cứng hơn nhưng cũng khó sản xuất hơn.
Quân đội Đông Đức sử dụng mũ bảo hiểm Stahlhelm (M1956)
Trong khi đó M1 dù không có lớp vỏ cứng bằng nhưng lại có thêm lớp lót và lớp đệm êm ái hơn. Nhờ có thêm lớp bảo vệ này nên khi đầu của binh lính phải tiếp xúc với ngoại lực lớn hoặc chấn động mạnh, họ cũng ít gặp chấn thương và nguy hiểm từ mảnh đạn.
Ra đời từ Thế chiến thứ nhất với mục tiêu tránh các vết thương do mảnh đạn găm vào. Tuy nhiên sau hàng chục năm cải tiến và không ngừng thay đổi, mũ bảo hiểm của binh lính ngày càng đa năng hơn trong việc bảo vệ an toàn cho vùng đầu của các chiến sỹ. Giờ đây nó không chỉ giúp tránh mảnh đạn mà còn giúp tránh va đập vô cùng hiệu quả.
Ngày nay, quân đội các nước đang dần chuyển sang sử dụng các vật liệu bền hơn thép trong chống mảnh đạn như sợi Kevlar hay Twaron. Thậm chí nhiều loại mũ bảo hiểm còn bố trí thêm cả kính bảo vệ mắt hoặc để quan sát vào ban đêm.
Tham khảo War History Online