Một thanh niên kêu cứu vì bỗng dưng bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản”?

Qua nhiều lần điều tra bổ sung, 2 lần xét xử, tòa đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo.

Đó là trường hợp của anh Vũ Đình Thức (trú tại xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), là một sinh viên mới ra trường, đi làm được 21 ngày bỗng dưng bị truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

118633204_1032956617180070_5637625558719087821_n

Đơn cầu cứu anh Vũ Đình Thức gửi đến Tòa soạn Pháp luật Plus.

Theo đơn trình bày của anh Vũ Đình Thức, vào tối ngày 01/10/2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội tạm giam đối với anh.

Đến ngày 8/10/2015, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “cưỡng đoạt tài sản”, và đến ngày 9/10/2015, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với anh Thức và 4 bị can là: Trần Trung Dũng, Nguyễn Mạnh Duy, Nguyễn Xuân Nghiêm, Nguyễn Bá Thanh Tùng, (5 bị can này đều là nhân viên Công ty Cổ phần truyền thông trực tuyến Netlink).

Anh Thức chia sẻ: “Sau 45 ngày bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1 – Công an TP Hà Nội, tôi được tại ngoại nhưng CQĐT Công an TP Hà Nội không có bất cứ loại giấy tờ nào đối với tôi cũng như gia đình tôi”.

Ông Vũ Đình Chính, cha đẻ của anh Thức thì cho biết: “Tôi gọi điện, nhắn tin nhiều lần không thấy con trả lời, gia đình tôi lên Hà Nội để tìm kiếm cháu cũng không thấy cháu đâu. May gặp được bạn của Thức, tôi mới biết con mình bị bắt…”.

Cũng theo lời anh Thức, việc bắt giữ anh cũng rất lạ, Thủ trưởng của anh Thức gọi điện cho anh Thức đến cơ quan có việc, khi anh Thức đến thì anh bị Công an TP Hà Nội bắt trước sự bàng hoàng của anh Thức.

Theo cáo trạng số 93 ngày 26/2/2018 của VKSND TP Hà Nội: “Ngày 30/9/2015, nhận được tin báo của anh Phạm Ngọc Tuyên, Trưởng phòng truyền thông thẩm mỹ Kangnam có địa chỉ số 83, phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng Hà Nội về việc, có nhóm đối tượng đăng bài viết có nội dung không đúng sự thật nhằm giảm uy tín của thẩm mỹ viện Kangnam.

Sau đó, nhóm người này yêu cầu thẩm mỹ viện phải trả tiền để gỡ bài. Nhóm đối tượng gồm 5 bị cáo là Trần Trung Dũng, Nguyễn Mạnh Duy, Nguyễn Xuân Nghiêm, Nguyễn Bá Thanh Tùng, Vũ Đình Thức…”. Sau đó một ngày, ngày 1/10/2015, anh Thức bị tạm giam.

Qua nhiều lần điều tra bổ sung, 2 lần xét xử, TAND TP Hà Nội đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ buộc tội đối với anh Thức. Dư luận đặt câu hỏi, liệu trong vụ việc này có vi phạm hay không?

Mặt khác, tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định như sau: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, anh Thức chỉ là một nhân viên, không có hành vi đe dọa, cũng không chiếm đoạt tài sản của bị hại. Như vậy, cơ quan tố tụng TP Hà Nội căn cứ vào đâu để quy kết anh Thức phạm tội cưỡng đoạt tài sản?

118465739_298456128114866_8172775584934930160_n

Anh Vũ Đình Thức và cha đẻ bức xúc, lo lắng khi trình bày với phóng viên.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, anh Thức gửi đơn kêu oan, tố cáo lên VKSND tối cao về việc anh bị oan sai, cơ quan tố tụng Hà Nội không đưa ra được chứng cứ buộc tội đối với anh.

Tại 2 phiên xét xử, anh Thức đều đưa ra lập luận, căn cứ để minh chứng minh không có hành vi “cưỡng đoạt tài sản” mà anh chỉ là nhân viên của Công ty Netlink, làm công ăn lương.

Ngày 2/8/2020, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Thủ trưởng Cục điều tra VKSND Tối cao đã có phản hồi nhưng chỉ là phiếu chuyển đơn tới vụ 12 VKSND Tối cao giải quyết.

Bức xúc hơn nữa là vào ngày 20/7/2020, anh Thức lại nhận được giấy “cấm đi khỏi nơi cứ trú” của VKSND TP Hà Nội.

Để có thông tin nhiều chiều, phóng viên đã liên hệ điều tra viên – Công an TP Hà Nội (xin phép được giấu tên), điều tra viên này cho biết: “Hiện chúng tôi đang hoàn tất những nội dung mà tòa yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo quy định của pháp luật, từ khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời gian xử lý khoảng 2 tháng. Khi nào hoàn tất điều tra và có thông tin chúng tôi sẽ cung cấp thông tin theo quy định pháp luật “.

Một vụ án không phúc tạp, chứng cứ rõ ràng, thế nhưng CQĐT Công an Hà Nội kéo dài thời gian 5 năm mà chưa xử lý dứt điểm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, xâm phạm tới quyền tự do của công dân.

Pháp luật Plus chuyển đơn kêu oan khẩn cấp của anh Vũ Đình Thức tới Viện trưởng VKSND tối cao và Bộ trưởng Bộ công an để trả lời công dân theo quy định của pháp luật.

Tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên….

Theo Ly Ly (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/mot-thanh-nien-keu-cuu-vi-bong-dung-bi-bat-ve-toi-cuong-doat-tai-san-d133285.html