Những năm gần đây, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến phát triển mạnh mẽ, nhất là dịch vụ thanh toán bằng chuyển khoản qua các thiết bị như điện thoại, máy tính, mang lại sự tiện lợi rất lớn, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ là hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ chưa hoàn hảo, đôi khi cũng xảy ra những trục trặc, ảnh hưởng đến hoạt động và làm cho người dùng ái ngại.
Ông N.T. ở Phường 5, TP. Đông Hà cho biết, sáng 19/3/2023, sau hơn hai giờ để hoàn thành các thủ tục mua bán, ông dùng điện thoại chuyển khoản thanh toán tiền hàng gần 23 triệu đồng cho người bán. Khi thực hiện xác nhận lệnh chuyển tiền, trên màn hình điện thoại xuất hiện dòng chữ “giao dịch bất thành”, nhưng trong tài khoản của ông vẫn bị trừ tiền, còn tài khoản của người bán hàng thì không nhận được.
Nhờ tư vấn về trường hợp này, cán bộ ngân hàng cho rằng khả năng do dịch vụ nơi bên nhận tiền mở tài khoản chưa cập nhật kịp thông tin, còn ông T. đã chuyển tiền thành công, bằng chứng là tiền đã được trừ trên tài khoản. Việc xuất hiện dòng chữ “giao dịch bất thành” là lỗi hệ thống, chỉ xảy ra trong “tích tắc”, sau đó đã được hệ thống tự động khắc phục.
Tuy nhiên, người bán không chấp nhận và yêu cầu ông T. phải trả đủ bằng tiền mặt vì sản phẩm đã bị “bóc tem”. Ông đã rất vất vả mới xoay xở được số tiền mặt trên để thanh toán.
Lo lắng số tiền bị thất lạc không biết có tìm lại được không, ông T. phàn nàn về chất lượng dịch vụ và cho biết, sẽ cân nhắc, chỉ sử dụng dịch vụ thanh toán chuyển khoản trong trường hợp không dùng tiền mặt được.
Cũng liên quan đến dịch vụ thanh toán chuyển khoản từ điện thoại, máy tính, nhiều trường hợp phần mềm của một số ngân hàng viết không chặt chẽ, thiếu chuẩn xác, nên khi chuyển tiền thì tin nhắn trên màn hình điện thoại thông báo “giao dịch thành công”, nhưng sau thời gian khoảng vài giờ mới báo lại “giao dịch bất thành” do vượt quá số dư tài khoản (hay xảy ra khi chuyển tiền đến tài khoản khác hệ thống ngân hàng).
Lợi dụng sơ hở này, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là, mặc dù trong tài khoản không đủ tiền nhưng đối tượng lừa đảo vẫn mua hàng rồi thanh toán bằng chuyển khoản và đưa cho người bán xem tin nhắn ở điện thoại báo “giao dịch thành công”.
Nhiều người bán tin rằng đã được thanh toán tiền hàng nhưng do có “độ trễ” nên tin báo sẽ đến sau. Từ đó người bán cho người mua nhận hàng mang đi. Sau mới biết bị lừa thì mọi chuyện đã muộn, truy tìm kẻ lừa đảo cũng không dễ.
Ngoài thanh toán bằng chuyển khoản có một số trục trặc, thì dịch vụ rút tiền qua máy ATM cũng có chuyện để nói. Đơn cử có những trường hợp rút tiền không thực hiện được, trên màn hình máy ATM hiện ra dòng chữ thông báo: “giao dịch vượt quá số dư tài khoản”.
Những lúc như vậy, tâm lý của người rút tiền là lo lắng, sợ tiền trong tài khoản của mình đã bị rút trộm mà không biết. Tuy nhiên, kiểm tra lại tài khoản thì vẫn còn đủ so với số tiền định rút. Liên lạc nhân viên tư vấn của ngân hàng mới biết là do tiền trong máy ATM không còn đủ. Như vậy, trường hợp này máy phải thông báo “giao dịch vượt quá số tiền của ATM” mới đúng.
Xin dẫn ra vài chuyện để biết, các dịch vụ tự động đều được thực hiện bởi các “phần mềm”. Nhưng một số phần mềm chưa hoàn hảo, nên ảnh hưởng đến kết quả. Ví dụ, với dịch vụ thanh toán trực tuyến, phần mềm của mỗi ngân hàng mỗi khác.
Phần mềm của một số ngân hàng ngay từ đầu sẽ báo “giao dịch bất thành” nếu số dư tài khoản không đảm bảo, nhưng có ngân hàng lại báo “giao dịch thành công”, rồi sau một khoảng thời gian mới báo lại “giao dịch thất bại”, dẫn đến bị lợi dụng để lừa đảo như đã nói ở trên.
Chúng ta biết, phần mềm là sản phẩm của kiến thức tin học và chuyên môn kết hợp. Để tạo ra một phần mềm tốt thì lập trình viên không chỉ giỏi về mặt tin học mà còn phải có kiến thức khá sâu về lĩnh vực mà mình lập trình. Tuy nhiên, để đáp ứng cả hai điều kiện này là rất khó (thường có sự phối hợp giữa người giỏi chuyên môn với người giỏi tin học).
Hơn nữa, trong quá trình xây dựng phần mềm, các lập trình viên khó có thể rào đón hết các tình huống xảy ra trong thực tế, vì thế, sự trục trặc trong các dịch vụ tự động vẫn luôn xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi có sự cố, bên cung cấp dịch vụ thường đổ cho do lỗi mạng, lỗi thiết bị,…để né tránh trách nhiệm, nên khách hàng buộc phải chấp nhận, mặc dù không hài lòng.
Công nghệ tin học là thành tựu lớn của khoa học, được sử dụng rộng rãi trên các lĩnh vực. Việc xây dựng các phần mềm tin học để “tự động hóa”, thay thế cho cách làm “thủ công” sẽ giảm được rất nhiều thời gian, nhân lực và các chi phí khác, mang lại hiệu quả rất lớn cho phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, sản phẩm là do con người tạo ra nên cũng không tránh khỏi những sai sót, gây phiền toái, thậm chí cả rủi ro. Cách khắc phục là bên cung cấp dịch vụ phải luôn rà soát, bịt các lỗ hỏng, những trục trặc của phần mềm, đồng thời sẵn sàng nhận trách nhiệm để làm hài lòng khách hàng.