Núi thiêng Yên Tử – nơi hơn 700 năm trước vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng trở thành Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông. Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông chọn núi cao Yên Tử tu hành và đắc đạo. Theo Ngài, lên Yên Tử đi tu và đắc đạo cũng là nhằm tăng thêm sức mạnh cội nguồn để dân tộc đánh thắng giặc ngoại xâm, phụng sự non sông gấm vóc Đại Việt: Trăm họ đua tài, muôn dân thái bình, thịnh vượng và no ấm.
Nhà thơ Hoàng Huy đã viết về Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông:
“Để lại sau lưng cả cung điện vàng son
Những châu báu ngọc ngà, những cung tần mỹ nữ
Ta đến với rừng thiêng Yên Tử
Gió trăng ơi xin hãy đón ta về !”
Núi thiêng Yên Tử – Yên Sơn – cao hơn 1.000 mét, hàng ngàn năm nay sừng sững án ngữ vùng Đông Bắc Đại Việt, là nơi gắn với triều đại nhà Trần, cũng là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm. Cả dãy núi cao rừng thẳm trải rộng ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương ngày nay. Sự nghiệp nhà Trần gắn liền với non sông vùng Yên Tử, phóng tầm nhìn ra biển Đông canh giữ đất trời, ba lần đánh bại quân xâm lược đến từ phương Bắc.
Sắc mới Tây Yên Tử. Ảnh: Giang Sơn Đông. |
Lên núi thiêng Đông Yên Tử là từ huyện Đông Triều – TP Uông Bí (Quảng Ninh). Vòng cung Đông Triều tựa con rồng vươn mình ra hướng biển. Đỉnh cao Yên Tử tựa đầu rồng ngoảnh lại nhìn về thành Thăng Long – Hà Nội; đuôi rồng ở Côn Sơn, một dẻ núi thuộc Chí Linh, Hải Dương. Lên núi thiêng Tây Yên Tử bắt đầu từ huyện Sơn Động (Bắc Giang), cách Hà Nội hơn 100 km.
Cuối tuần, sau rằm tháng Giêng Quý Mão, chúng tôi và các nhà báo Thái Lan, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang hành hương lên núi Yên Tử từ cửa Tây – Tây Yên Tử. Từ tỉnh Bắc Giang – huyện Sơn Động vượt non cao bằng đường cáp treo. Yên Tử ngày nay, cả về hướng Đông và hướng Tây đã thức dậy – không còn ngủ yên trong rừng già, các thế hệ hậu sinh của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có thể “vén mây lên trời” với núi biếc non thiêng, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc biên cương, bờ cõi. Cây mai vàng trên triền núi vốn là loài hoa của phương Nam, tiết trời sang xuân Quý Mão se lạnh vẫn tung cánh vàng rực rỡ, người ta nói đó là điềm lành cho mưa thuận gió hòa Bắc – Nam sum họp, trăm họ sum vầy trong năm mới. Hình ảnh bảo tượng Phật hoàng uy nghi, giương cao tâm thế mà rất đỗi gần gũi với thiên nhiên, đất trời, thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn, ước nguyện, mong cầu cho sự an yên, non sông thái bình, cường thịnh.
Năm Du lịch quốc gia 2023 được phát động, lan tỏa với chủ đề “Hội tụ xanh”, màu xanh của biển, của rừng, du lịch an yên, sạch đẹp “an toàn về môi trường”. Nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam – một trong những hậu duệ của bậc tiền bối – cụ Hồ Tùng Mậu cùng lên núi Yên Tử bày tỏ niềm vui, sự phấn chấn:
– Thái Lan là cường quốc du lịch của Đông Nam Á, đất nước của những nụ cười thân thiện. Xuân Quý Mão, các bạn Thái Lan cùng lan tỏa hành trình Xuân Yên Tử với “Hội tụ xanh” thì còn gì bằng!
Các nhà báo Thái Lan, Việt Nam tại chùa Hạ (Tây Yên Tử). |