MiG-35 khó tìm được khách hàng khi sắp bị cả… JF-17 qua mặt?

MiG-35 khó tìm được khách hàng khi sắp bị cả... JF-17 qua mặt?
Mô hình tiêm kích MiG-35 được Nga trưng bày tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018

Tiêm kích giá rẻ JF-17 Thunder do Trung Quốc hợp tác sản xuất với Pakistan dự kiến sẽ có năng lực tác chiến tăng gấp nhiều lần so với hiện nay nhờ được trang bị radar thế hệ mới.

Tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 (Zhuhai Airshow 2018) đang diễn ra, các tập đoàn chế tạo máy bay Nga đã mang tới Trung Quốc những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của mình như máy bay huấn luyện Yak-130, cường kích Su-32 (phiên bản xuất khẩu của Su-34), hay tiêm kích đa năng MiG-35 để giới thiệu tới các khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, trong khi Yak-130 đã thu về nhiều hợp đồng rất giá trị, Su-32 được đánh giá có triển vọng khá cao trên thị trường vũ khí thế giới thì số phận chiếc MiG-35 vẫn chưa thoát khỏi cảnh “đìu hiu” chẳng mấy người quan tâm.

Lý do chính đã được nhắc tới nhiều lần, đó là động cơ RD-33MK của nó bị phàn nàn chỉ là bình mới rượu cũ, chưa đủ độ tin cậy, khối lượng máy bay tiệm cận tiêm kích hạng nặng khiến chi phí vận hành tăng vọt, hay radar Zhuk-AE tính năng chưa có gì ấn tượng.

MiG-35 khó tìm được khách hàng khi sắp bị cả... JF-17 qua mặt? - Ảnh 1.

Radar mảng pha quét chủ động thế hệ mới được thiết kế riêng cho tiêm kích hạng nhẹ JF-17

Tại Zhuhai Airshow năm nay, ngoài “ngôi sao” là tiêm kích tàng hình J-20 và phiên bản chiến đấu cơ J-10B lắp động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) thì Trung Quốc còn thu hút được sự chú ý vào mẫu radar mảng pha quét chủ động (AESA) mà họ dự định tích hợp cho JF-17, khiến năng lực không chiến tầm xa của nó thậm chí còn tốt hơn cả MiG-35 của Nga.

Loại radar AESA do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo này có mã định danh là LKF601E, nó có khối lượng rất nhẹ – chỉ 145 kg, dễ dàng gắn kết cho tiêm kích JF-17 cũng như nhiều chủng loại chiến đấu cơ khác.

Theo giới thiệu, radar LKF601E hoạt động trên băng tần X với băng thông 3GHz, nó có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay tiêm kích hạng nhẹ từ cự ly 170 km, theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và điều khiển tên lửa diệt 4 trong số đó; lập bản đồ mặt đất cách xa 300 km; nhận diện được tàu chiến có diện tích phản xạ radar 1.000 m2 cách 220 km; thông số cực kỳ đáng nể.

Với radar LKF601E, giờ đây một chiếc tiêm kích hạng nhẹ rẻ tiền như JF-17 cũng có khả năng tác chiến chẳng thua kém gì, nếu như không muốn nói là còn trội hơn chiếc MiG-35 trên khá nhiều tiêu chí cơ bản.

MiG-35 khó tìm được khách hàng khi sắp bị cả... JF-17 qua mặt? - Ảnh 3.

Cận cảnh các phần tử thu phát của radar mảng pha quét điện tử chủ động LKF601E

Ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc thời gian vừa qua đã có những bước tiến vượt bậc, theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự thì họ đã đạt trình độ tiệm cận với Mỹ cũng như phương Tây và dĩ nhiên là bỏ xa Nga.

Nhờ nâng cấp mới về “mắt thần”, tiêm kích JF-17 Thunder theo dự báo sẽ khiến cho dòng chiến đấu cơ hạng trung MiG-29M và MiG-35 của Nga rất khó mà thu về những hợp đồng giá trị vì thất thế cả về giá thành lẫn tính năng kỹ chiến thuật và độ tin cậy khi hoạt động.

Tiêm kích hạng nhẹ JF-17 Thunder trình diễn tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018