“Mẹ tôi chỉ có một mắt”: Câu chuyện khiến chúng ta giật mình nhận ra mình từng đối xử vô tâm đến thế nào với cha mẹ

Cuộc sống công nghệ hiện đại khiến nhiều bạn trẻ vô tình và cảm thấy có chịu với cha mẹ vì những áp đặt, hoặc cho rằng cha mẹ mình vì sao không giàu sang, phú quý như “cha mẹ người ta”.

Khi còn trẻ, chúng ta không thể hiểu được những lý do thực sự đằng sau hành động của cha mẹ mà chỉ nghĩ đơn giản rằng cha mẹ làm phiền chúng ta, khiến chúng ta tổn thương và xấu hổ. Chúng ta đã không nhận ra cha mẹ hy sinh bao nhiêu mà chỉ quan tâm đến lời người khác nói và cảm xúc của bản thân. Đó là một phần không thể tránh khỏi của tuổi thơ.

Đã bao lâu rồi bạn không về ăn cơm cùng cha mẹ? Đã bao giờ khi cha mẹ gọi điện mà bạn lại cằn nhằn không có việc gì thì đừng có gọi? Đến thời điểm nào đó, chúng ta sẽ nhận ra một sự thật khủng khiếp rằng bản thân quá tàn nhẫn với cha mẹ. “Mẹ tôi chỉ có một mắt” chính là câu chuyện đã truyền cảm hứng giúp nhiều người nhận ra họ từng đối xử vô tâm với cha mẹ như thế nào trong khi cha mẹ luôn hy sinh vì hạnh phúc của con cái mà không một lời phàn nàn hay oán trách.

Mẹ tôi chỉ có một mắt: Câu chuyện khiến chúng ta giật mình nhận ra mình từng đối xử vô tâm đến thế nào với cha mẹ - Ảnh 1.

Mẹ luôn là người dõi theo từng bước chân của ta trên đường đời. Thế nhưng, không phải đứa con nào cũng hiểu được nỗi lòng của đấng sinh thành.

Câu chuyện kể về một chàng trai luôn cảm thấy xấu hổ khi có người mẹ khuyết tật. Anh ta chưa từng nhắc đến mẹ bởi vì bà chỉ có một mắt. Mỗi khi người mẹ làm lao công trong trường học xuất hiện, anh ta đều lo lắng sẽ bị bạn học nhận ra họ là mẹ con. Anh ta sợ hãi mọi người cười nhạo vì có người mẹ khuyết tật. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy mẹ mình là anh ta luôn tức giận và mắng chửi rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu bà biến mất. Người con trai không bao giờ nghĩ đến những lời nói đó đã tổn thương mẹ mình như thế nào.

Nhiều năm trôi qua, người con trai kết hôn và có con. Vậy nhưng cảm giác xấu hổ về người mẹ của anh ta lại không hề biến mất. Khi bà mẹ chỉ có một mắt đến thăm gia đình con trai, bà đã bị chính người con mình nuôi khôn lớn khắc nghiệt đuổi đi. Anh ta không cho phép bà đến gần và làm phiền gia đình của mình. Đến khi nghe tin bà mẹ đã qua đời, anh ta thậm chí không hề cảm thấy đau xót, tiếc nuối.

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi người con trai nhận được một lá thư mà bà mẹ cố gắng viết trước khi từ giã cõi đời. Trong bức thư, bà mẹ vẫn xin lỗi con trai vì đã làm phiền gia đình anh. Và rồi, bà giải thích cho anh nghe vì sao bà chỉ có một con mắt. Đó là một bí mật bà đã cất giấu từ lâu. Bà kể rằng con trai bé bỏng của bà đã gặp tai nạn khi còn nhỏ. Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến cậu bé ấy vĩnh viễn mất đi một bên mắt. Vì vậy, bà đã tình nguyện nhường mắt của mình cho con trai. Bà không thể chịu đựng được sự đau đớn khi nghĩ rằng con trai mình sẽ phải trải qua cuộc sống chỉ có một con mắt, không thể đứng nhìn con lớn lên với khiếm khuyết trên khuôn mặt đáng yêu. Cậu con trai đó cũng chính là chàng trai đã xua đuổi, luôn cảm thấy xấu hổ về người mẹ của mình suốt bao năm.

Trong lá thư, người mẹ cũng viết rằng bà luôn tự hào về con trai mình và chưa bao giờ buồn vì bất cứ điều gì anh ta đã làm. Bà tin rằng con trai cũng rất yêu mẹ. Rồi bà kể lại khoảng thời gian khi con trai còn nhỏ, tập đi, hay những lúc không may bị ngã rồi lại chạy loanh quanh bên mẹ. Người mẹ khuyết tật ấy luôn nhớ mong con trai rất nhiều vì anh ta là cả thế giới đối với bà mẹ.

Người con trai lúc này mới cảm thấy hối hận, đau đớn và day dứt vì những gì mình đã làm. Anh ta chợt nhận ra mình chưa bao giờ quan tâm tới mẹ. Chưa từng một lần hỏi han sức khỏe của bà. Chưa từng một lần thắc mắc vì sao bà chỉ còn một bên mắt. Cũng chưa từng thương cho nỗi vất vả của bà, làm công việc chân tay lao động vất vả để nuôi anh ăn học. Anh lúc nào cũng chỉ than thân trách phận, vì sao mình không sinh ra trong gia đình điều kiện hơn. Vì sao mẹ mình không ưu tú, không làm văn phòng nọ, cơ quan kia, để anh được nở mày nở mặt. Anh đâu có ngờ rằng, vì anh, mẹ đã hy sinh nhiều đến thế.

Nhìn xung quanh, anh nhận ra mình chẳng thua kém bạn bè, được ăn được học, được thành người, giờ đây cũng có địa vị, lấy vợ sinh con. Thế nhưng, anh chẳng còn mẹ, cũng chẳng còn cơ hội để sửa sai hay bù đắp cho bà. Sự ích kỷ, hỗn láo, sống chỉ biết bản thân mình và vô tâm trước chính bậc sinh thành của mình đã khiến anh ta phải trả một cái giá quá đắt.

theo Lifehack