“Tôi không chịu nổi, sau ba tháng thì kéo vali về nước. Tôi phải đi về chứ chịu sao nổi” – MC Thanh Bạch chia sẻ.
Tối qua (24/11), tập 13 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn và xúc động. Chương trình tuần này dành một phần thời lượng để tri ân MC Thanh Bạch.
Sở dĩ có sự tri ân này vì MC Thanh Bạch là cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình. Anh được biết đến là một nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực, từ phong cách dẫn hài hước, sôi nổi tới khả năng diễn xuất trên sân khấu.
Với khả năng của mình, Thanh Bạch bắt đầu thành công từ các chương trình thiếu nhi, tới các chương trình lớn như Hoa hậu Việt Nam, Duyên dáng Việt Nam rồi tham gia dẫn live show của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Anh đã dẫn hàng trăm chương trình trong suốt sự nghiệp. Thanh Bạch được xem là được một trong những người dẫn chương trình đẳt giá nhất.
Bởi vậy, Thanh Bạch cũng trở thành một phần kiến thức không thể quên của khán giả Việt Nam.
Ca sĩ Thanh Duy từng đóng giả MC Thanh Bạch trong chương trình Gương mặt thân quen nên có nhiều kỷ niệm với anh. Cậu nói:
“Con từng một lần đi phòng trà và được nghe chú Thanh Bạch hát bài Đôi mắt huyền. Thường thì ca sĩ chỉ ra hát thôi nhưng riêng chú lại dẫn luôn cả bài hát chú hát trên cả nền nhạc luôn. Đây là điều mà lần đầu tiên con thấy.
Vì thế, trong chương trình Gương mặt thân quen hồi trước, khi bấm vào chú Thanh Bạch con rất thích. Đó cũng là tuần con đoạt giải nhất”.
Về phần mình, MC Thanh Bạch cũng chia sẻ lại thời kỳ còn học bên Liên Xô và từng có ý định bỏ về nước vì không thể chịu nổi. Anh nói:
“Năm 18 tuổi, tôi tốt nghiệp cấp 3 và thi vào trường nghệ thuật sân khấu. Sau đó tôi sang Nga du học. Trong thời gian đó, tôi phải đi tất cả các trường tại Nga xem trường nào có du học sinh Việt Nam thì diễn cho họ xem.
Tôi đại diện cho đoàn Việt Nam, diễn kịch câm cho mọi người ở đó xem. Cái này không cần hát, nói hay trình độ tiếng Nga.
Hồi mới sang Nga, tôi học ngành kịch nói. Nhưng tôi vốn không thích kịch nói vì nói dở nên xin cô giáo cho chuyển qua ngành tạp kỹ, trong đó có đạo diễn, kịch câm, ca hát, múa, nhạc…
Nhưng nào ngờ, vào đó tôi vẫn phải học môn Tiếng nói sân khấu. Môn này đòi hỏi phải nói rõ từng từ một, nói một từ phải thơm cả khán phòng. Tôi nói tiếng Nga không được, cô cho nói tiếng Việt, nhưng vẫn bị chê.
Mỗi học viên được vào học có 7 phút thôi, tôi vừa vào đã bị đuổi ra vì tội nói chưa thơm.
Tôi không chịu nổi, sau ba tháng thì kéo vali về nước. Tôi phải đi về chứ chịu sao nổi. Nhưng nếu tôi bỏ về sẽ khiến người Việt học tại Liên Xô tụt hạng, thua người Đức (cũng có đông học sinh tại Liên Xô ngang Việt Nam).
Tôi nghĩ cứ bỏ về nước như thế thì không được, liền quay lại lớp chỉ thẳng vào mặt bà giáo viên hét lên: “Que diêm quẹt vào thành diêm”. Khói bốc lên trong đầu tôi. Tôi định làm quả chốt để bị đuổi về nước cả thể. Nhưng nói xong thì bà giáo viên ấy bảo: “Cháy rồi đó”.
Sau này tôi mới hiểu đó là phương pháp sư phạm của họ, dồn mình vào thế bí để vượt qua vỏ bọc của mình, thành một người khác”.
MC Đại Nghĩa sau khi nghe xong câu chuyện của Thanh Bạch đã thốt lên: “Bao năm trôi qua, anh Thanh Bạch vẫn dẫn đầy màu sắc, truyền cảm, rực lửa.
Ngọn lửa trong anh vẫn bùng cháy như thời ở Liên Xô. Phải đốt cháy chính mình như thế mới tỏa sáng được.
Đó là lí do vì sao mọi người thấy anh Thanh Bạch dẫn rất drama. Mọi người có thể không thích, nhưng đó là điều cần thiết của một người dẫn chương trình kiêm nghệ sĩ biểu diễn như anh”.
Tùng Ninh, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/mc-thanh-bach-bo-ve-nuoc-nhu-the-thi-khong-duoc-toi-quay-lai-lop-chi-vao-mat-ba-giao-het-len-8201925117328765.htm