Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững kỷ cương và ổn định xã hội, là cầu nối vững chắc giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội (CT-XH) có đóng góp quan trọng. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đặt ra yêu cầu MTTQ và các đoàn thể Nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

h-5540

TS Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh sáu giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH. Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, trước hết cần làm cho toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ về vai trò, vị trí của Mặt trận, của các tổ chức CT-XH. Để nâng cao nhận thức cần sử dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền; sử dụng công cụ truyền thông mới, thông minh, hiện đại.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. MTTQ Việt Nam cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương dân chủ, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Ba là, MTTQ và các tổ chức CT-XH chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa cải thiện dân sinh, chăm lo đời sống vật chất của mọi người dân và cả cộng đồng.

Cùng với đó là phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân thông qua Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức CT-XH; thực hiện tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. MTTQ và các tổ chức CT-XH cần phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến Nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương, địa phương; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Bốn là, Mặt trận và các tổ chức CT-XH vận động, phát huy vai trò của Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Mặt trận cần chú trọng xây dựng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý.

Cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Giải pháp thứ năm, Mặt trận và các tổ chức CT-XH gắn bó mật thiết với Nhân dân; tập trung hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn, sát dân. Và thứ sáu, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH. “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là lãnh đạo, vừa là thành viên quan trọng của MTTQ Việt Nam.

Việc hàng đầu là tổ chức và cấp ủy Đảng có quyết định thực hiện đúng đắn các nghị quyết của Trung ương và tổ chức Đảng cấp trên về công tác Mặt trận, các quyết định vận động từng đối tượng quần chúng Nhân dân công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, ông Dũng nhấn mạnh.

 

Theo Minh Ngọc (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/mat-tran-to-quoc-viet-nam-phat-huy-vai-tro-cau-noi-giua-dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-d160809.html