Trò chuyện với người đã mất liệu rằng có phải ý tưởng hay?
Mất đi người thân yêu là cảm giác đau buồn nhất mà mỗi chúng ta đều phải trải qua. Tuy nhiên nếu như người đã mất vẫn có thể trò chuyện với chúng ta hàng ngày, giống như họ vẫn đang còn sống thì sẽ như thế nào?
Trò chuyện với người đã mất liệu rằng có phải ý tưởng hay?
Một ý tưởng có phần điên rồ, nhưng đang được một startup công nghệ biến thành hiện thực. Marius Ursache, sau khi bị mất một người bạn thân trong vụ tai nạn ô tô, đã nảy ra ý tưởng cùng với người đồng nghiệp của mình xây dựng chatbot bằng AI, để giúp con người tiếp tục sống sau khi đã chết.
Enter Eternime và ý tưởng người chết có thể tiếp tục sống
Startup được thành lập vào năm 2014 với hy vọng giúp con người có thể “bất tử”, bằng cách tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của những người đã chết. Marius Ursache và Claudiu Baciu đã cùng nhau thực hiện ý tưởng điên rồ này, sau khi một người bạn thân của cả hai đã qua đời trong vụ tai nạn ô tô.
Marius Ursache đã xem đi xem lại bài phát biểu của người bạn thân tại TEDx. “Bài phát biểu này khiến tôi nhớ lại rằng anh bạn thân có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cuộc đời tôi, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ anh ấy và tôi thực sự may mắn khi có một người bạn như vậy”, Marius Ursache chia sẻ.
Nhà sáng lập Marius Ursache của Enter Eternime.
Enter Eternime sử dụng hai cách để thu thập dữ liệu từ những người đang sống. Đó là tự động thu thập dữ liệu từ smartphone họ sử dụng và cách thứ hai là thu thập dữ liệu từ những câu hỏi thông qua chatbot.
Mục đích là sau khi thu thập đủ dữ liệu, Enter Eternime sẽ tạo ra một chatbot đại diện cho bạn. Để từ đó, người thân và bạn bè sẽ có thể tiếp tục nói chuyện với bạn, sau khi bạn chết.
Nhà sáng lập Enter Eternime cho biết: “Chúng tôi thu thập dữ liệu vị trí địa lý, các chuyến đi, hoạt động, dữ liệu y tế, dữ liệu giấc ngủ, ảnh và tin nhắn mà người dùng đồng ý cung cấp. Chúng tôi cũng thu thập dữ liệu Facebook từ các nguồn bên ngoài”.
Bản demo nguyên mẫu của ứng dụng chatbot này đã được trưng bày tại Bảo tàng Victoria và Albert của Luân Đôn. Về cơ bản, cho mọi người thấy giao diện người dùng và cách thức thu thập dữ liệu của ứng dụng chatbot này.
Enter Eternime tạo ra một ứng dụng chatbot cho phép bạn nói chuyện với người đã mất.
Enter Eternime cũng đã ra mắt chương trình thử nghiệm beta với hơn 40.000 lượt đăng ký, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ tạo ra chatbot cho khoảng 40 người. Thử nghiệm này bao gồm việc người dùng sẽ ghi lại toàn bộ cuộc sống hàng ngày của họ.
Business Insider đã trao đổi với Claudiu Jojatu, một trong số những người tham gia thử nghiệm của Enter Eternime trong vòng 1 năm vừa qua.
Claudiu Jojatu chia sẻ rằng: “Đối với tôi nó như một phần của cuộc sống, tôi chia sẻ những gì mình đã làm mỗi ngày giống như viết nhật ký. Tôi đã lưu lại rất nhiều dữ liệu về mình, về cả những suy nghĩ và cảm xúc mà tôi đã trải qua”.
Người đàn ông này cũng cho biết tính năng chatbot đại diện cho người đã mất của Enter Eternime hiện vẫn chưa ra mắt, đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm và thu thập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên ông có rất nhiều hy vọng: “Ký ức của chúng ta sẽ hoàn toàn biến mất, và thật tuyệt vời khi biết rằng bạn có thể để lại một phần ký ức sau khi đã chết”.
Enter Eternime không phải là ý tưởng đầu tiên
Trước Enter Eternime, đã từng có những ý tưởng làm hồi sinh người đã mất bằng chatbot. Eugenia Kuyda đã mất người bạn thân là Roman Mazurenko trong một tai nạn xe hơi vào năm 2015. Kuyda đã rất nhớ người bạn của mình, do đó cô đã tạo ra một con chatbot của Roman.
“Tôi thu thập khoảng 10.000 tin nhắn của Roman và cùng với một kỹ sư AI xuất sắc trong nhóm của chúng tôi, để tạo ra chatbot cá nhân của Roman. Tôi có thể nói chuyện với anh ấy”, Eugenia Kuyda kể lại.
Eugenia Kuyda (bên trái) và người bạn thân Roman Mazurenko.
Replika được ra đời. Replika là một ứng dụng chatbot được hỗ trợ bởi AI, bạn có thể trò chuyện với nó để tìm hiểu chính bản thân mình. Ứng dụng này đã có hơn 200.000 người dùng hoạt động hàng tháng, kêu gọi được 11 triệu USD đầu tư.
Tạo ra con chatbot đại diện cho người bạn thân của mình sau khi đã chết là một dự án ấn tượng, tuy nhiên chính Eugenia Kuyda cũng nhận thấy rằng có những thách thức về cả mặt kỹ thuật và đạo đức. Ví dụ như bạn sẽ muốn người bạn của mình sống mãi mãi ở một độ tuổi hay sẽ già đi?
Bạn sẽ già đi, nhưng người bạn chatbot đó sẽ không bao giờ già. Điều đó sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn. Eugenia Kuyda cũng chỉ ra rằng vậy tạo ra chatbot có thể vô tình tiết lộ những thông tin mà người đã mất không muốn nói cho ai đó biết.
Sự nguy hiểm tiềm ẩn của việc trở nên bất tử
Nhà nghiên cứu Carl Öhman, thuộc Viện Internet Oxford đã nhận thấy những nguy hiểm tiềm ẩn của việc trở nên bất tử thông qua các ứng dụng chatbot như Enter Eternime hay Replika.
Các thuật toán trí tuệ nhân tạo đôi khi không thể dự báo trước được. Ví dụ điển hình chính là chatbot trên Twitter của Microsoft, nó đã biến thành một kẻ phân biệt chủng tộc và có nhiều phát ngôn thù địch.
Chatbot của Microsoft biến thành một kẻ phân biệt chủng tộc, do học tập những cái xấu từ mạng xã hội.
Ngoài ra còn có rất nhiều vấn đề đạo đức khác gây tranh cãi. Như việc các công ty sở hữu dữ liệu của người đã mất có thể xâm phạm vào quyền riêng tư, người đã mất cũng không thể thay đổi hay thu hồi các dữ liệu này. Các ứng dụng chatbot này cũng có thể làm ảnh hưởng đến những người còn sống, khiến họ thay đổi cuộc sống thật bên ngoài.
Dẫu sao việc trò chuyện với người chết cũng là một ý tưởng không mấy hay ho, đúc rút kinh nghiệm từ những câu truyện thần thoại hay những bộ phim điện ảnh. Hiện tại cộng đồng mạng cũng đã chia thành hai ý kiến trái chiều.
Một phía ủng hộ các startup với ý tưởng hồi sinh người chết bằng chatbot như Enter Eternime hay Replika, và một phía phản đối ý tưởng này vì cho rằng nó trái với tự nhiên. Còn bạn thì sao?
Tham khảo: Business Insider