Như một lời nguyền nào đó đã xảy ra vào đêm hôm trước, cô gái này giờ đã không thể nghe thấy giọng nói của bất kể một người đàn ông nào trên đời?
Một cô gái ở Hạ Môn, Trung Quốc thức dậy vào buổi sáng và đột nhiên không thể nghe thấy bạn trai cô ấy nói. Nhưng cô khẳng định rằng mình không điếc bởi vẫn có thể nghe thấy các âm thanh khác, chỉ trừ tiếng nói của bạn trai mà thôi.
Chính anh chàng cũng cảm thấy bối rối bởi đó không phải một trò đùa do một trong hai người bày ra. Cô gái được đưa thẳng tới bệnh viện Chiến Phù ở Hạ Môn, nơi điều kỳ lạ tiếp tục được ghi nhận.
Cô nói rằng mình có thể nghe thấy giọng của vị nữ bác sĩ, nhưng khi một bệnh nhân nam trẻ tuổi khác bước vào phòng, cô lại không thể nghe thấy anh ấy nói.
Như một lời nguyền nào đó đã xảy ra vào đêm hôm trước, cô gái này giờ đã không thể nghe thấy giọng nói của bất kể một người đàn ông nào trên đời?
Mắc bệnh lạ, cô gái không nghe được tiếng đàn ông, chỉ nghe thấy tiếng phụ nữ khi nói chuyện
Trên thực tế, cô gái người Trung Quốc đã mắc phải một tình trạng được gọi là mất thính lực dốc ngược (reverse-slope hearing loss -RSHL), khiến cô không thể nghe thấy những âm thanh có tấn số thấp. Nó là một căn bệnh thực sự chứ chẳng phải lời nguyền gì cả, ngoại trừ tỷ lệ rất hiếm khi xảy ra. Cứ 13.000 người mất thính lực thì mới có 1 người bị ở dạng RSHL.
Để chấn đoán các tình trạng mất thính lực, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện một phép đo, trong đó, họ đeo một tai nghe phát các âm thanh có tần số từ thấp đến cao. Phản hồi thần kinh thính giác từ thân não, được ghi lại bằng các điện cực dán vào da đầu bệnh nhân, sẽ vẽ lên một đồ thị thể hiện khả năng nghe gọi là thính lực đồ.
Thính lực đồ dốc ngược từ thấp đến cao của bệnh nhân mất thính lực dốc ngược – RSHL.
Trục hoành của thính lực đồ thể hiện tần số âm thanh từ thấp đến cao, trục tung thể hiện khả năng nghe của họ.
Ở những người mất thính lực thông thường, không thể nghe các âm thanh có tần số cao, thính lực đồ sẽ có độ dốc từ trên xuống dưới. Nhưng đối với những người mất khả năng nghe những âm thanh có tần số thấp như cô gái ở Hạ Môn Trung Quốc, thính lực đồ sẽ dốc ngược từ thấp đến cao, cho nên nó được gọi là căn bệnh mất thính lực dốc ngược – RSHL.
Các bệnh nhân mắc RSHL không thể nghe thấy các loại âm thanh có tần số đặc biệt thấp, chẳng hạn như tiếng kêu của tủ lạnh, tiếng sấm, tiếng guitar bass, những tiếng rì rầm phát ra khi quần cọ vào chân, âm thanh động cơ ô tô và thậm chí cả tiếng nói những người đàn ông có giọng trầm…
Sơ đồ cấu trúc tai
Để hiểu tại sao tình trạng này lại xảy ra, chúng ta có thể nhìn vào cấu trúc tai. Khi sóng âm truyền đến tai bạn, chúng sẽ đi vào ống tai, đập vào màng nhĩ sau đó làm xương đe, xương đạp và xương búa rung lên.
Ba xương nhỏ này khuyếch đại các rung động, gây ra những gợn sóng trong ốc tai chứa dịch lỏng. Những gợn sóng này làm những sợi lông nhỏ trong ốc tai lay động. Các lông nhỏ ở miệng ốc chịu trách nhiệm thu nhận các âm thanh có tần số cao, càng vào bên trong, tần số đáp ứng của các sợi lông càng giảm dần.
Sự lay động của các sợi lông trong ốc tai kích hoạt các phản ứng hóa học truyền tín hiệu về não phân tích giúp bạn nghe được âm thanh.
Các bác sĩ kiểm tra thính lực và tai của cô gái Trung Quốc
Trong trường hợp bệnh nhân bị mất thính lực dốc ngược, có một lý do nào đó đã khiến hệ thống ốc tai sâu bên trong của họ, hoặc hệ thống truyền dẫn thần kinh từ các sợi lông thu nhận tín hiệu ở đây bị ảnh hưởng.
Đó có thể là một dị tật bẩm sinh trong cấu trúc tai gây ra bởi Hội chứng Wolfram khiến ốc tai bị thiếu mất nửa trong cùng, nơi lẽ ra chứa các sợi lông cảm nhận âm trầm.
Đối với những người vẫn có ốc tai hoàn chỉnh, mất thính lực dốc ngược cũng có thể xảy ra sau khi vùng ốc tai sâu trong bị tổn thương vì bệnh tật, chẳng hạn như bệnh tai trong mạn tính Ménière’s, nhiễm virus, suy thận, tác dụng phụ của gây tê tủy sống, tăng áp lực nội sọ hoặc một lỗ rò dẫn đến thay đổi áp lực dịch ốc tai…
Không phát hiện ra tổn thương trong tai, các bác sĩ nghĩ rằng cô gái chỉ bị căng thẳng
Hiện không rõ cô gái Trung Quốc bị mất thính lực dốc ngược là do nguyên nhân cụ thể nào. Một ngày trước khi phát bệnh, cô nói rằng mình bị làm phiền bởi những tiếng chuông kêu trong tai và nôn mửa.
Bởi tình trạng diễn ra bất ngờ và kiểm tra không có tổn thương cơ học trong ốc tai nào, các bác sĩ nói rằng có thể cô gái chỉ bị căng thẳng và thiếu ngủ do làm việc quá sức. Họ hi vọng rằng điều trị căng thẳng có thể giúp cô gái lấy lại toàn bộ thính lực vốn có trong 3 tháng và nghe lại được giọng nói của người bạn trai của mình.
Đối với các bệnh nhân RSHL kém may mắn hơn, thính lực ở dải tần thấp bị mất vĩnh viễn mà không thể đạo ngược, họ sẽ phải sử dụng đến máy trợ thính mới có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tham khảo Forbes, Dailymail