Lưu giữ nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mông đã biết tự rèn dao, cuốc và nhiều vật dụng để phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, nghề rèn đã dần bị mai một. Riêng ở bản Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, ông Giàng A Pua, 74 tuổi vẫn đang lưu giữ nghề truyền thống này.

Ông Giàng A Pua, bản Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ lưu giữ nghề rèn.

Bếp rèn của ông Pua khá đơn giản, được đắp bằng đá và đất, sau đó kè gỗ. Tạo gió cho lò rèn là cái bễ đặt nằm ngang cạnh bếp. Cái bễ được làm từ khúc cây to rỗng ở giữa. Chiếc pít tông bên trong gắn lông gà kéo để tạo ra gió.

Mặc dù tuổi cao, nhưng ông Pua còn rất nhanh nhẹn, công việc đã thành kỹ năng và dường như “ngấm vào máu”. Ông Pua cho biết: Nghề rèn của gia đình được lưu truyền 3 đời, từ ông nội đến đời bố và nay là tôi và 2 người anh biết làm. Tôi bắt đầu làm rèn từ năm 24 tuổi, đến nay được 50 năm. Hiện tại, trong xã còn rất ít người giữ nghề rèn. Để làm ra sản phẩm, người thợ phải làm qua nhiều công đoạn, từ chọn vật liệu, cắt sắt, nung, đập, tôi và hoàn thiện sản phẩm. Ông Pua chủ yếu rèn dao. Vật liệu là nhíp ô tô được mua từ những cửa hàng sửa chữa ô tô. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, ông chọn nhíp tốt bằng cách lấy giấy giáp cọ vào nhíp, sau đó nhỏ nước vào nếu có màu trắng không ngả vàng là thép tốt.

Để làm dao, ông phải cắt nhíp, sau đó đem nung. Nung thép phải đủ độ nóng, không quá non cũng không quá già thì độ bền của dao mới được lâu. Nếu nung già quá sẽ bị gẫy, nếu non lửa sẽ khó tạo hình. Khi đập tạo hình người thợ cần có sức khỏe, sự khéo léo để lực búa xuống đều. Khâu quan trọng nhất của rèn dao là tôi, người thợ có kinh nghiệm sẽ nhìn vào màu thép nung đủ độ sẽ mang ra tôi. Đặc biệt, dao rèn bằng nhíp phải tôi bằng dầu nhớt, nếu tôi vào nước sẽ bị gẫy.

Tôi xong chuyển sang mài, dao được mài bằng đá suối. Chọn đá mài dao cũng là một bí quyết tạo ra dao tốt. Dao hoàn thiện có chuôi và bao dao. Bao và chuôi dao được làm bằng gỗ xoan vì nó dẻo dễ tạo hình mà không bị mối, mọt.

Ông Pua chia sẻ: Rèn dao khó nhất trong các dụng cụ, nên một ngày tôi chỉ làm được 2-3 con dao. Dao của đồng bào Mông rất đặc biệt, không giống dao công nghiệp, dao dưới xuôi. Nó được thiết kế dài, thân hơi bầu và mũi nhọn để phù hợp với việc làm nương, đi rừng của bà con.

Người thợ rèn rất vất vả, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn có sự khéo léo, kiên trì, sáng tạo, yêu nghề. Xem ông Pua làm, tôi cảm nhận rõ cái nóng hầm hập từ lửa lò rèn, chỉ chút sơ sểnh là có thể bị bỏng, bị thương. Những công đoạn đều được làm cẩn thận, tỉ mỉ.

Những sản phẩm được tạo ra hoàn toàn thủ công, từ công sức cũng như tâm huyết của người thợ. Chính vì vậy, giá bán dao khoảng 500 nghìn đồng 1 con, giá khá cao so với dao công nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, ông Pua nổi tiếng làm dao tốt, nên nhiều người tìm đến mua. Ngoài việc làm để giữ nghề, lúc rảnh rỗi không làm nương, ông lại rèn dao để kiếm thêm thu nhập. Một số gia đình trong bản hoặc dưới xuôi thích dao ông làm vẫn đến tận nhà mua. Thu nhập từ bán dao mỗi năm được khoảng 20 triệu đồng.

Trong kinh tế thị trường hiện nay, nghề rèn của đồng bào Mông gặp không ít khó khăn. Dù vậy, ông Giàng A Pua vẫn cố gắng giữ nghề, cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông đã truyền dạy cho con cháu với mong muốn sẽ lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Phạm Hoa (CTV)

Nguồn Báo Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/luu-giu-nghe-ren-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-mong-7tzQossVg.html