Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Các luật sư cho rằng, việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên các tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý là vô lý, trái với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam hiện hành.
“Không thể xử lý bằng quy chế nội bộ của đơn vị đầu tư BOT”
Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sẽ từ chối vĩnh viễn 2 xe mang BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả tuyến đường do VEC quản lý, khai thác.
Lý do được đưa ra là vì hai phương tiện này đã có hành vi cố tình gây rối tại trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào chiều 10/2.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Hà Nội) cho rằng, việc VEC cấm vĩnh viễn 2 ô tô trên ở tất cả các tuyến đường do đơn vị này quản lý, khai thác là không đúng các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo luật sư Cường, ở Việt Nam mọi công dân đều có quyền tự do đi lại, tự do cư trú.
Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định rất cụ thể và có đủ cơ chế để bảm bảo thực hiện. Việc cản trở, hạn chế quyền tự do đi lại của công dân chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt do luật quy định.
Đối với các phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, xe gắn máy thì khi đã có đăng ký, đăng kiểm, đủ điều kiện lưu hành thì sẽ được toàn quyền tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam, thậm chí ngoài lãnh thổ Việt Nam theo các quy định của pháp luật.
Hiện nay ở Việt Nam, khi thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm thì các chủ phương tiện xe ô tô cũng đã phải trả phí bảo trì đường bộ theo từng chu kỳ đăng kiểm. Bởi vậy, các phương tiện này hoàn toàn có quyền đi lại, di chuyển trên các tuyến đường bộ của Việt Nam.
Đối với những tuyến đường mà thực hiện việc đầu tư – kinh doanh – chuyển giao (hình thức BOT) chỉ được áp dụng ở những tuyến đường có khả năng lựa chọn của người tham gia giao thông, không được áp dụng với những tuyến đường độc đạo.
“BOT là hoạt động kinh doanh đặc thù, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Bởi vậy, những quy định nội bộ của đơn vị kinh doanh này cũng phải phù hợp với các quy định của pháp luật và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, thông qua mới được áp dụng.
Bên cạnh đó, bản chất của BOT là một hình thức kinh doanh, tuy nhiên đây là hoạt động kinh doanh đặc thù, đặc biệt có quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước.
Bởi vậy đơn vị này không thể muốn bán dịch vụ cho ai thì bán, không thể tự đặt ra những quy định trái với các quy định pháp luật để cấm cản những phương tiện giao thông đi trên những tuyến đường của loại hình đầu tư kinh doanh này”, luật sư Cường nêu rõ.
Trả lời báo chí, đại diện VEC cho rằng, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-GĐTV ngày 10/1/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên tuyến đường cao tốc do VEC quản lý.
Về vấn đề trên, luật sư Cường nhấn mạnh, hiện nay luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã có đầy đủ các quy định, các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm giao thông. Trong đó có kể cả các hành vi gây rối, mất trật tự, cản trở giao thông đường bộ…
Nếu những lái xe ô tô có vi phạm các quy định pháp luật phải xử lý bằng pháp luật chứ không thể xử lý bằng quy chế nội bộ của đơn vị đầu tư BOT.
“Những quy định có tính chất nội bộ cũng không thể áp dụng rộng rãi với tất cả những người dân được. Vì vậy hai chủ phương tiện này có thể gửi ý kiến đến Bộ Giao thông vận tải để xem xét lại vấn đề này”, luật sư Cường nói thêm.
Trạm thu phí Long Phước trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Luật sư khẳng định việc làm của VEC là “vô lý”
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO cũng khẳng định, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn của VEC đối với 2 phương tiện là vô lý, trái với Hiến pháp của Việt Nam.
Ông nói, việc cấm phương tiện di chuyển trên đường phải được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay không có điều luật nào cấm vĩnh viễn xe ô tô di chuyển trên đường.
“Trong trường hợp này, BOT là dạng hợp đồng hành chính công, có yếu tố Nhà nước, nên doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền từ chối phục vụ.
Hơn thế nữa, khác với việc cấm bay theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nếu Luật Giao thông đường bộ dù có cấm cũng không hợp lý, thậm chí là trái với Hiến pháp. Đặc biệt, Thông tư và Nghị định càng không được phép cấm đoán việc sử dụng đường bộ.
BOT không phải là dịch vụ thông thường, nên doanh nghiệp không thể muốn làm gì cũng được. Chưa kể phương tiện và người lái có thể không liên quan đến nhau, chẳng lẽ cái xe đó đã bán cho người khác vẫn bị cấm?”, luật sư Đức nhấn mạnh thêm.