Khi cuộc chiến thương mại ngày càng kéo dài, Tổng thống Donald Trump sẽ nhận thấy càng khó khăn để tuyên bố một chiến thắng trước Trung Quốc.
Ngay cả khi ông Trump thường viện dẫn việc kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng trưởng, các chuyên gia chỉ ra rằng, lợi thế của ông cũng không kéo dài.
Chiến thuật quen thuộc
Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24/9. Đáp trả, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ áp thuế lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Đây là chiến thuật “bàn tay sắt” quen thuộc mà ông Trump vẫn sử dụng khi còn là một ông trùm bất động sản.
Ông Trump thực sự có lý về các phản ứng của thị trường với cuộc xung đột thương mại.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ áp đặt thuế quan vòng đầu tiên lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc hồi tháng 3, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 10% trong khi Trung Quốc giảm hơn 16%.
Tương tự, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh nhất 4 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 3,9%, gần với mức thấp nhất từ những năm 1960.
Ngược lại, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 8% kể từ khi ông Trump áp thuế.
Lợi thế không kéo dài
Nhưng lợi thế của ông Trump sẽ không kéo dài. Quyền lực chính trị của Tổng thống sẽ bị hạn chế nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11. Trong khi đó, lực đẩy cho nền kinh tế Mỹ từ kế hoạch giảm thuế dự kiến sẽ sớm chậm lại.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đang chững lại nhưng vẫn tăng trưởng ở tốc độ lớn, cho phép nước này giảm nhẹ ảnh hưởng. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ngày càng củng cố quyền lực khi Hiến pháp Trung Quốc đã cho phép bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Vì vậy, ông Tập Cận Bình có lý do để kiên nhẫn, các chuyên gia nhận định.
“Vấn đề lợi thế khác nhau theo thời gian. Nếu bạn hỏi cùng một câu hỏi cho tương lai, phép tính sẽ nghiêng một chút về phía Trung Quốc”, ông Stephen Jen, CEO của Eurizon Slj Capital Ltd., có trụ sở ở London (Anh) cho hay.
“Nếu bạn hỏi về một tuần sau, tình hình thậm chí còn ủng hộ Trung Quốc hơn”, ông nói thêm.
Kinh tế Trung Quốc đã được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại nhưng là do nước này phụ thuộc ít hơn vào các khoản nợ và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng.
Bắc Kinh cũng tiết lộ những biện pháp bảo vệ nước này khỏi tác hại của cuộc chiến thương mại, bao gồm chi tiêu cho hạ tầng và nới lỏng các quy định vốn ngân hàng. Ngay cả khi mức nợ lên cao có thể làm hạn chế khả năng đáp trả, ông Tập Cận Bình vẫn có nhiều cách giảm nhẹ thiệt hại.
Trong khi đó, IMF dự báo, biện pháp giảm 1,5 nghìn tỷ USD tiền thuế giúp thúc đẩy nền kinh tế nhưng tác động này sẽ mất tác dụng vào năm 2020 khi tăng trưởng chậm lại.
Tỷ lệ ủng hộ mới nhất (tính theo tuần) đối với ông Trump là 38%, theo Gallup. Đảng Cộng hòa có thể mất quyết kiểm soát Hạ viện vào ngày 6/11 tới. Trong khi đó, đảng Dân chủ không đảm bảo ủng hộ cuộc chiến thuế quan của ông Trump.
Thái độ phản đối các khoản thuế quan đang tăng lên. Chính quyền cho biết, đang cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc, vấn đề chỉ là thời gian.
Ý tưởng “tung cú đấm” với Trung Quốc hay làm cho nước này có vẻ yếu đi không phải là công thức giải quyết các khác biệt.
Cả 2 nước càng sớm nhận ra tình hình này không thể kéo dài lâu và họ cần tiến thới một thỏa thuận thì tình hình càng tích cực hơn cho tất cả chúng ta, Phó Chủ tịch phụ trách thương mại toàn cầu của Hội đồng Thương mại nước ngoài ở Washington cho hay.