Anh Hậu thoát chết thần kỳ.
Người thợ lặn tiến vào trong hầm máy thì phát hiện một nơi không bị ngập nước. Lúc đó, anh Chiến dùng tay “chọt” thủng một lớp dán và cảm nhận được bên trong có người.
Ngày 15/1, hàng chục người thân của gia đình ông Phan Văn Quang (60 tuổi, ngụ thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang) đến bệnh viện huyện để thăm anh Phan Ngọc Hậu (35 tuổi, con ông Quang).
Hai ngày trước, cha con ông Quang và cháu ngoại Nguyễn Duy Kha (18 tuổi) gặp nạn khi sà lan do anh Hậu làm tài công bị chìm gần thị trấn An Thới.
Ông Quang cho biết, gia đình ông có 3 người làm thuê cho một doanh nghiệp tư nhân. Anh Hậu là người cầm lái chiếc sà lan 700 tấn chở gạch nung từ Hà Tiên ra Phú Quốc. Ông Quang với cháu ngoại phụ việc, khuân vác gạch.
Anh Hậu tại bệnh viện.
Khoảng 1h ngày 13/1, khi sà lan cách thị trấn An Thới hơn 1 hải lý thì phần mũi chao đảo. Lúc đó, ông Quang được anh Hậu nhờ cầm lái để chạy xuống cabin phía dưới gọi Kha.
“Lúc đó, tàu lật ngang và nước cuốn tôi vào trong hầm máy. Mọi việc diễn ra trong tích tắc. Trong cái rủi còn cái cái may, chiếc sà lan lật ngang nhưng bên phần hông còn nổi nên tôi bám vào đó cho đến khi được lực lượng cứu hộ giải cứu”, anh Hậu nhớ lại.
Cũng là nạn nhân may mắn thoát chết, Kha kể lại chuyện lật sà lan trong bàng hoàng. Theo Kha, khi anh Hậu xuống báo tin mũi tàu lắc lư thì vài phút sà lan lật.
“Em vội lấy áo phao đưa cho ông ngoại mặc khi sóng rất to đánh dồn dập vào người. Em cũng đuối sức và bị chìm nhưng với được áo phao mặc vào và bơi vòng quanh tìm cậu nhưng không thấy nên cùng ngoại bơi vào bờ. Do trời tối 2 ông cháu bơi hơn 4 giờ mới vào được Mũi Ông Đội”, Kha kể.
Lúc đó, Kha và ông Quang kiệt sức, tay chân run vì lạnh nhưng cố gắng ngồi chờ để xem Hậu có bơi vào bờ sau hai người hay không. Khi không còn hi vọng, ông Quang và cháu nội đến trình báo lực lượng chức năng Vùng 5 Hải quân và mượn điện thoại gọi về cho gia đình.
Nhận được tin báo của ông Quang, Vùng 5 Hải quân điều 3 phương tiện ra ku vực có sà lan bị chìm. Đến 7h45 cùng ngày, xuồng 2203 phát hiện vị trí sà lan bị lật nên triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Đến 17h ngày 14/1, các lực lượng cứu hộ thuộc Lữ đoàn127 Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã tìm thấy thuyền viên được cho là mất tích trong vụ chìm.
“Anh Hậu được tìm thấy bên trong sà lan, có thể do anh Hậu nằm ở vị trí vẫn còn một khoảng không bên trong tàu nên khi mọi người tìm thấy”, một cán bộ tham gia cứu nạn nói.
Sà lan chìm gần mũi Ông Đội.
Trong những người đến bệnh viện thăm tài công sáng 15/1, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi. Anh là Nguyễn Đình Chiến, chuyên sửa đồng hồ ở thị trấn An Thới và cũng là người lặn vào sà lan cứu ah Hậu.
Anh Chiến cho biết, trên 20 năm trước sau khi rời quân ngũ và ly hôn vợ, anh ra đảo Phú Quốc làm nghề sửa đồng hồ. Hàng ngày, anh còn lặn biển mò các loại sò để mang lên bờ bán.
Khi hay tin sà lan chìm gần Mũi Ông Đội, anh Chiến đến nơi thì thấy nhiều thợ lặn được thuê tìm kiếm nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều thợ lặn gần hai ngày mà không có kết quả.
Trưa 14/1, gia đình anh Hậu thuê anh Chiến với giá 50 triệu đồng để mong có cơ hội cuối cùng để tìm thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, khi vào các khoang tàu mà không gặp người thì anh Chiến tin rằng tài công vẫn còn sống.
Lặn tiếp nhiều hơi, anh Chiến tiến vào trong hầm máy của sà lan thì phát hiện một nơi không bị ngập nước biển. Lúc đó, tay anh Chiến “chọt” thủng một lớp dán và cảm nhận được bên trong có người.
Sau khi soi đèn pin và nhìn thấy anh Hậu nằm, anh Chiến nói nhỏ với tài công là anh vào để cứu người và trấn an anh Hậu.
“Tôi sau đó lặn ngược trở lên để lấy thêm sợi dây rồi lặn tiếp xuống sà lan. Lúc đó phát hiện lỗ thông hơi của sà lan sâu dưới đáy biển khoản 4 m. Tôi chui vào và đưa hai tay ra thì phát hiện đây là nơi gần nhất mà Hậu cần chui ra ngoài. Vậy là tôi thò tay nắm lấy tay Hậu, sau đó đè đầu anh ấy xuống để anh ấy chui qua lỗthông hơi”, anh Chiến kể.
Ra khỏi lỗ thông hơi, anh Hậu đạp lên người anh Chiến đế “trồi” lên mặt nước. Anh Chiến theo sau và sau đó kè nạn nhân vào bờ, đưa anh Hậu đi cấp cứu.
“Lúc đó mọi người tưởng Hậu chết rồi nên chuẩn bị đồ đạt lo hậu sự. May là anh ấy còn sống. Lặn tìm nhiều người bị chìm tàu nhưng lần đầu tôi tìm được người còn sống”, anh thợ lặn 51 tuổi chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Chi Tuyết (vợ anh Hậu) cho biết, khi hay tin sà lan chìm, chồng mất tích, chị vô cùng đau đớn. Gia đình khi đó mướn tàu, thợ lặn tìm để tìm nhưng vợ vọng. Khi mọi người đang chuẩn bị tâm lý nặng nề nhất thì anh Hậu trở về từ cỏi chết.
“Gần 40 giờ nằm trong đó mà anh ấy sống được. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi và gia đình”, người vợ nói trong niềm vui mà nước mắt chảy dài.