Sở Xây dựng TP Dà Nẵng cho biết vừa ban hành văn bản về phối hợp quản lý, tuyên truyền, cảnh báo hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trong bối cảnh hiện tại, các quận, huyện và người dân cần cảnh giác trong giao dịch BĐS. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tình trạng các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân; đồng thời có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Sở Xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện giao dịch để tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Một tháng nay, cơn sốt đất nền và làn sóng đầu tư đón đầu các dự án cũng đang khiến các thửa đất ở trong các kiệt, hẻm ở khu vực trung tâm thành phố tăng nóng. Đặc biệt, tại quận Sơn Trà, giá đất ở trong các kiệt, hẻm nhỏ ở phường An Hải Bắc, Mân Thái và Thọ Quang có thời điểm tăng 100 triệu đồng/ngày/lô. Nhiều người đi tìm mua nhà để ở hoặc đất để xây dựng nhà trong các kiệt, hẻm chỉ rộng 1-1,5m cũng chới với trước tốc độ tăng giá đất.
Nhiều nhà đầu tư và môi giới bất động sản cũng nhận định, giá đất tăng nóng như hiện nay gây chênh lệch quá lớn giữa giá thị trường với giá trị thực của bất động sản địa phương. Có những khu vực, nhiều người môi giới không những “thổi” giá mà còn tạo giao dịch ảo và cò mồi để hút nhà đầu tư, góp phần tạo ra diễn biến giá quá nhanh của thị trường, càng làm cho giá đất càng ngày vượt xa giá trị thực.
Nghiêm trọng nhất, nhiều cò đất còn tung tin thất thiệt về việc một số địa phương tại TP Đà Nẵng sẽ được lên quận trong thời gian tới, hay như hai xã giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ được sáp nhập vào TP Đà Nẵng. Điều này làm cho giá đất tại các khu vực này lập tức sốt ảo, nhiều cò đất còn tranh giành, chèo kéo khách hàng.
Chẳng hạn, mới đây UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có văn bản gửi các xã, phường về việc chấn chỉnh thông tin thất thiệt và tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội của thị xã Điện Bàn, nhu cầu giao dịch đất đai, mua bán bất động sản trong nhân dân trên địa bàn ngày càng tăng.
Một số đối tượng cò đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin thất thiệt đăng tải tràn lan trên mạng xã hội như: một số đơn vị hành chính cấp xã của Điện Bàn sắp sáp nhập vào TP. Đà Nẵng, địa phương sắp triển khai dự án hàng trăm tỷ…
Đi kèm với đó là những chiêu trò kinh doanh đồn thổi thông tin về giá đất tăng cao của các nhóm, hội kinh doanh bất động sản nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và cũng chính những nhóm này mua đi, bán lại đất đai bằng hợp đồng đặt cọc ảo để đánh lừa nhà đầu tư và người dân. Từ đó gây “sốt ảo” về giá đất nhằm mua bán thu lợi, gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Vì vậy, Chủ tịch UBND thị xã yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn và xử lý tình trạng mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin để người dân được biết bản chất của các đợt “sốt ảo” về giá cả đất đai; đề nghị nhân dân thận trọng trong việc mua bán quyền sử dụng đất, không vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất nông nghiệp ảnh hưởng đến đời sống lâu dài sau này của gia đình.
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc thông tin: “Về mặt quy hoạch chung phát triển đô thị và phát triển kinh tế-xã hội của thị xã, chính quyền các cấp không có chủ trương lẫn định hướng thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng”.
Ông Trần Úc cũng thông tin thêm, trong kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 16-1-2019 của UBND tỉnh, diện tích để phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà ở thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019 là 1.141ha và trong năm 2020 là 516ha. Điều này minh chứng nguồn cung về phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh Quảng Nam rất lớn.
“Riêng tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép phát triển đô thị và nhà ở trong năm 2019 với diện tích đất 166ha, trong năm 2020 với diện 115ha và sau năm 2020 là 100ha. Đây cũng là nguồn cung rất lớn. Với nguồn cung lớn về diện tích phát triển đô thị và nhà ở, địa phương sẽ có những điều chỉnh hợp lý về cầu. Chính quyền thị xã Điện Bàn khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giao dịch mua bán nhà đất”, ông Trần Úc nói.