Mức lỗ của Grab khá khiêm tốn khi so với con số lỗ 550 tỷ chỉ trong 4 tháng đầu chính thức ra mắt của Go-Viet. Trong một môi trường cạnh tranh chủ yếu dựa trên khả năng chịu lỗ, Grab đang có lợi thế vượt trội khi có dòng tiền lớn từ hoạt động kinh doanh để bù đắp chi phí khuyến mãi.
Trong năm 2018, hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam chứng kiến bước ngoặt lớn khi đối thủ chính Uber đã rút lui, qua đó đưa Grab lên vị trí thống lĩnh thị trường ứng dụng gọi xe.
Những đối thủ mới như Go-Viet hay BE Group do gia nhập thị trường muộn nên chi phí ban đầu bỏ ra là vô cùng lớn và trong một sớm một chiều cũng chưa thể trở thành đối trọng đáng kểvới Grab.
Ra mắt từ tháng 9/2018, tức chỉ với 4 tháng hoạt động chính thức nhưng Go-Viet đã lỗ tới 550 tỷ đồng. Ứng dụng nội be thuộc BE Group cũng báo lỗ 88 tỷ dù chính thức ra mắt từ giữa tháng 12.
Mứclỗ trên là rất lớn so với con số lỗ 885 tỷ đồng của Grab trong cả năm. Điều đáng nói là không chỉ gói gọn trong mảng đặt xe, trong năm vừa qua Grab đã chi rất nhiều để mở rộng một loạt các dịch vụ khác như giao hàng (Grab Express), giao đồ ăn (GrabFood), ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab …
Lũy kế đến cuối năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Grab sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam là hơn 2.600 tỷ đồng. Đây là một mức lỗ không nhỏ nhưng không có gì “ghê gớm” khi so với mức lỗ của thị trường thương mại điện tử khi mà mức lỗ của Lazada hay Shopee hiện đã lên đến 2.000 tỷ đồng chỉ trong một năm.
Bên cạnh con số lợi nhuận âm – điều chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong các năm tới – thì số liệu tài chính của Grab cũng cho thấy hoạt động kinh doanh của Grab đang tăng trưởng mạnh.
Đặc thù với mô hình kinh doanh của Grab hay các ví điện tử, trang thương mại điện tử là luôn phải khuyến mại rất lớn để thu hút người dùng. Khoản chi này được hạch toán vào chi phí bán hàng và là nguyên nhân chính dẫn đến lỗ.
Năm 2018, tổng chi phí bán hàng của Grab tăng thêm 900 tỷ đồng lên 1.470 tỷ nhưng mức lỗ chỉ tăng chưa đến 100 tỷ so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu của công ty tăng vọt từ 760 tỷ lên 2.200 tỷ đồng và lãi gộp từ 8 tỷ lên 1.087 tỷ đồng.
Việc có dòng tiền lớn từ hoạt động kinh doanh để bù đắp cho chi phí khuyến mãi là một lợi thế rất lớn cho Grab trong một môi trường cạnh tranh chủ yếu dựa trên khả năng chịu lỗ. Khi quy mô càng mở rộng thì khả năng tự bù lỗ của Grab cũng ngày càng cao và sức ép lên các đối thủ cũng ngày rõ ràng hơn.
Sự mở rộng mạnh mẽ của Grab vào các dịch vụ khác cũng buộc những doanh nghiệp vốn đi trước khá lâu như Foody (dịch vụ giao đồ ăn Delivery Now) hay các ví điện tử MoMo, Zalo Pay… cũng phải chấp nhận tăng lỗ để cạnh tranh, đẩy mặt bằng thua lỗ lên một tầm cao mới. Ứng dụng giao đồ ăn Lala thậm chí còn chấp nhận bỏ cuộc khi mức độ cạnh tranh quá lớn.
Hệ quả là mức lỗ năm 2018 của Foody tăng gấp 4 lần lên 433 tỷ còn lỗ của MoMo cũng gần gấp đôi lên 440 tỷ đồng.