Linh thiêng lễ hội Bà Vương!

Về mảnh đất cổ Bồ Điền vào ngày “nắng quyện mây trời”. Không gian linh thiêng phảng phất mùi hương trầm hòa trong sắc vàng mật ong, như gột đi những “sân”, “si”, thôi thúc bước chân khách thập phương trẩy hội Bà Vương…

Linh thiêng lễ hội Bà Vương!Các đồng chí lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa thành kính thực hiện nghi thức cáo yết trước khi diễn ra lễ hội.

Video: Độc đáo Lễ hội Đền Bà Triệu

Với người dân đất Việt, từ xa xưa tục thờ cúng các nhân vật lịch sử có công với nước, đã thấm rất sâu vào đời sống văn hóa tinh thần và trở thành tập tục đẹp, phản ánh đậm nét thuần phong mỹ tục dân tộc. Đặc biệt, khi tập tục ấy hướng con người ta đến việc thực hành điều thiện, tinh thần nhân ái, lòng khoan dung và trách nhiệm, thì nó càng có sức sống mãnh liệt, đủ sức vượt qua mọi sự kiểm chứng của thời gian, để khảm sâu vào bức tranh văn hóa dân tộc vốn đa dạng, giàu có và đậm đà bản sắc. Và, lễ hội Đền Bà Triệu có thể xem là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho tập tục đẹp ấy.

Trong tiết xuân tháng 2 âm lịch là thời điểm diễn ra Lễ hội Đền Bà Triệu. Trải lòng giữa chốn linh thiêng, thành kính cầu Bà phù trợ cho quốc thái dân an, vạn vật tươi tốt, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc; cũng là cầu cho tâm hồn được thanh thản, thoát khỏi những ràng buộc thói thường.

Vừa luôn tay sửa sang lễ vật, hương oản, hoa trái để dâng lên Bà, chị Trần Thị Cẩm Hương (TP Hà Nội) vừa hào hứng trò chuyện: “Được về đền dâng hương, vãn cảnh đúng dịp lễ hội, tôi vô cùng xúc động. Với những ai quý trọng lịch sử và văn hóa dân tộc, sẽ không thể không biết đến tên tuổi của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Công lao vĩ đại của họ không chỉ làm rạng rỡ sử sách dân tộc; mà còn là niềm tự hào to lớn của phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, nơi thờ tự linh thiêng, trầm mặc lại hòa mình dưới không gian tươi xanh, khiến tôi rất ấn tượng. Tôi hy vọng di tích và lễ hội này sẽ ngày càng được lan tỏa sâu rộng, để đền Bà Triệu thực sự trở thành nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh lớn của đất nước”.

Linh thiêng lễ hội Bà Vương!Lễ hội thực sự là ngày hội văn hóa không chỉ ở địa phương mà còn thu hút rất nhiều người từ huyện ngoài, tỉnh ngoài tham gia.

Dù đã nhiều lần trẩy hội, nhưng với bà Hoàng Thị Sen (huyện Hậu Lộc) cảm xúc tự hào và xúc động thì chưa khi nào vơi bớt. Bà kể: “Đã thành lệ, cứ đến ngày húy kị của Vua Bà, chúng tôi lại sắm sanh lễ lạt tươm tất để lên đền. Được biết năm nay lễ hội làm to lắm nên chúng tôi càng phấn khởi. Không chỉ lễ lạt đầy đủ, chị em trong bản hội ai cũng quần áo tươm tất và đến từ sớm để dâng hương, trẩy hội. Với mỗi người trong bản hội, được dâng nén hương tỏ lòng thành kính, biết ơn với Bà đã mãn nguyện lắm rồi. Vậy nên, dù bận đến mấy thì cứ đến dịp này là nhất định phải đi. Không đi được là cảm thấy không yên”.

Cái cảm giác “không yên” của khách thập phương cũng là điều dễ hiểu, khi mà cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy, thì nhu cầu được cân bằng đời sống tinh thần là lẽ tất yếu. Lễ hội đền Bà Triệu nổi tiếng về sự linh thiêng, gắn với công lao to lớn của hệ thống nhân vật được thờ tự: Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh, đức ông Triệu Quốc Đạt và các tướng sĩ, nghĩa quân trong cuộc nổi dậy giành nền độc lập, cách thế hệ hôm nay hơn 17 thế kỷ. Do đó, trẩy hội đền Bà cũng ví như một lần về với cội nguồn tiên tổ, về với những giá trị truyền thống tốt đẹp, mà từ đó con người có thể định hình được diện mạo và phẩm giá. Đồng thời, nhu cầu tâm linh ấy cũng phản ánh chiều sâu về “chất” đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Linh thiêng lễ hội Bà Vương!Các nghi thức tại Lễ hội Đền Bà Triệu được thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính.

Lễ hội đền Bà Triệu hướng đến tôn vinh bậc nữ trung hào kiệt Triệu Thị Trinh – nhân vật có tầm ảnh hưởng đến “bánh xe lịch sử” dân tộc. Mặc dù cuộc khởi nghĩa do Bà khởi xướng và lãnh đạo không đi đến cùng là lật đổ chế độ cai trị ngoại bang, xây dựng nền độc lập; song cuộc khởi nghĩa ấy đã điểm vào cuốn biên niên sử hào hùng của dân tộc một dấu song ngời sáng của tinh thần quật khởi, tinh thần dân tộc và khát vọng tự cường.

Để tưởng nhớ công ơn của Bà, theo lệ hằng năm Nhân dân tổ chức chính hội nhằm ngày mất của Bà (22-2 âm lịch). Cũng bởi công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng ấy, mà Lễ hội đền Bà Triệu từ lâu đã vượt ra ngoài khuôn khổ một làng (làng Bồ Điền xưa, nay là làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), để trở thành một lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất xứ Thanh. Đồng thời, đền Bà Triệu gắn với Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc Lễ hội đền Bà Triệu, cũng chính là “chốn thiêng” cho muôn người ngưỡng vọng.

Đặc biệt, Lễ hội đền Bà Triệu năm Quý Mão 2023 gắn với lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là dịp để khách thập phương tìm về chiêm bái và chứng kiến một trong những nghi thức long trọng và quan trọng bậc nhất của di sản này: Lễ rước kiệu hay còn gọi là rước bóng. Nghi thức đặc sắc này thể hiện rõ nhất “tính thiêng” hay quan niệm dân gian về sức mạnh của vị Thần đã được các triều đại phong kiến suy tôn và thờ phụng. May mắn được một lần theo đoàn rước kiệu Bà Vương, du khách sẽ không khỏi thích thú bởi quy mô, sự sinh động và hấp dẫn của nó.

Linh thiêng lễ hội Bà Vương!Rước kiệu – một trong những nghi thức quan trọng và hấp dẫn nhất của Lễ hội đền Bà Triệu.

Rước bóng gắn với hiện tượng “kiệu bay” được xem là hạt nhân của lễ hội đền Bà Triệu, khi nó hàm chứa trong đó nhiều lớp nghĩa và nhiều tầng giá trị, mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu văn hóa vẫn đang dày công tìm tòi, lý giải và cảm thán về một thế giới tinh thần đầy màu sắc. Để rồi, cùng với hệ thống các nghi thức nghiêm cẩn, lớp lang và chặt chẽ mang đậm bóng dáng của những lễ hội lịch sử quy mô lớn; lễ hội đền Bà Triệu còn đậm chất dân gian, bởi nó đã “sống” và gắn bó rất bền chặt với cộng đồng làng xã và được cộng đồng này gìn giữ như một “báu vật”.

Có nhận định rằng, nếu di sản văn hóa vật thể là những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử của một dân tộc trong quá khứ; thì di sản văn hóa phi vật thể lại là những truyền thống văn hóa đang “sống” và chứa đựng trong đó phong tục tập quán và những trải nghiệm cuộc sống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu di sản văn hóa vật thể mang tính cố định, thì di sản văn hóa phi vật thể lại mang tính động – với tư cách một di sản “sống”, giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của một cộng đồng, một dân tộc.

Linh thiêng lễ hội Bà Vương!Rước linh vị tại đền thờ Bà Triệu trong khuôn khổ lễ hội.

Trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội được ví như một “bảo tàng tâm thức” lưu giữ các giá trị văn hóa và các sinh hoạt văn hóa của con người. Lễ hội đền Bà Triệu gắn với quần thể kiến trúc nghệ thuật bề thế, giàu giá trị, đã trải qua hàng chục thế kỷ “gạn đục khơi trong”, để lắng đọng trong lòng nó nhiều lớp phù sa văn hóa, làm nên sức sống và giá trị bền vững cho đến hôm nay. Đặc biệt, khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì lễ hội này cũng trở thành tài sản văn hóa của đất nước. Do đó, nó xứng là một “bảo tàng tâm thức” để thế hệ hôm nay ngưỡng vọng và tiếp tục gìn giữ, vun đắp cho hậu thế mai sau.

Nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Ấn Độ M. Gandhi đã khẳng định: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của Nhân dân”. Đằng sau mỗi di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, là một câu chuyện hoặc thú vị, giàu màu sắc dân gian; hoặc hào hùng, bi tráng, đầy âm hưởng ngợi ca và đậm tính chính sử. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu là di sản như thế. Bà Triệu – nhân vật được thờ phụng, cũng đồng thời là “linh hồn” của lễ hội – không chỉ là nhân vật gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc; mà còn được phong “thần”, được “linh hóa”, “thiêng hóa” hết sức sống động và luôn “sống” trong tâm thức dân gian.

Lễ hội đền Bà Triệu là sự kết tinh từ kết quả sáng tạo của cộng đồng, dân tộc trong tiến trình lịch sử lâu dài. Là di sản giàu bản sắc, nhờ bởi các yếu tố “độc đáo”, “đặc sắc” và biểu hiện rõ nét “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc”. Do đó, Lễ hội đền Bà Triệu có khả năng cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay, các di sản văn hóa giàu giá trị như Lễ hội đền Bà Triệu đã, đang và luôn là nhân tố giúp nhận diện bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế.

LÊ DUNG

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/linh-thieng-le-hoi-ba-vuong/180878.htm