Cách đây 2 năm, ngày 28/8/2020, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra đối với ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để điều tra…
Tại thời điểm đó, thông tin này đã gây rúng động người dân cả nước, đặc biệt là người dân thủ đô Hà Nội.
Rất nhiều câu hỏi, bình luận được đặt ra sau thông tin trên, trong đó rất nhiều đảng viên cảm thấy đau xót và tiếc nuối.
Vì sao, một người từng là một Tướng công an, Tiến sĩ Luật, người được đào tạo bài bản về phẩm chất đạo đức cũng như trình độ chuyên môn, để có thể “miễn nhiễm” với tất cả virus “độc, hại” lại có thể bị vật chất tầm thường “điều chỉnh”?
Từ sự việc cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị xử lý hình sự, dư luận cho rằng, đây là một bài học đắt giá cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người đã và đang làm lãnh đạo hoặc những người có chí hướng làm lãnh đạo.
Tuy nhiên, sau 2 năm, cũng trong cương vị Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh tiếp tục bị khởi tố, bắt giam khiến người dân mất niềm tin vào cán bộ chủ chốt…Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều cực kỳ đau xót nhưng xót cũng phải làm, để thể hiện ý chí quyết tâm cao trong phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Để luận bàn về vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với cụ Đỗ Bá Diễn, ở Sóc Sơn, năm nay 99 tuổi, 75 năm tuổi Đảng.
Cụ Diễn cho biết: “Quan điểm của tôi là cán bộ cao cấp càng phải gương mẫu. Nếu là cán bộ mà sai lầm về phẩm chất thì không xứng đáng làm cán bộ nữa.
Đã là Đảng viên thì phải tuyệt đối trung thành với Đảng, không thể vì lợi ích riêng mà xao nhãng được. Suy cho cùng, tất cả chỉ tại lòng tham về những thứ vật chất tầm thường. Cá nhân tôi cảm thấy tiếc nuối, tiếc nuối lắm và đau xót”- cụ Diễn bộc bạch.
Là người thường xuyên theo dõi các vấn đề xã hội, ông Nguyễn Văn Năm, 74 tuổi, ở Tuyên Quang cho biết: “Việc xử lý hình sự 02 cán bộ lãnh đạo cao cấp của thành phố Hà Nội vừa qua cho thấy, Lãnh đạo Đảng thể hiện tính minh bạch và cương quyết, không có vùng cấm trong xử lý đối với cán bộ sai phạm.
Đây cũng là một bài học thức tỉnh cho những lãnh đạo, cán bộ có ý đồ tham nhũng, vi phạm thì trước sau cũng bị trả giá.
Qua việc xử lý vừa rồi cho thấy, sau này bổ nhiệm những cán bộ vào cương vị chủ chốt thì phải có sự cân nhắc, xem xét kĩ càng để tránh bầu nhầm những cán bộ không xứng đáng, làm hại nước, hại dân” – ông Năm chia sẻ.
Dưới góc độ của những nhà làm luật, ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khóa XIV, Phó Ban dân nguyện Quốc hội cho biết: “Trong thời gian qua, chúng ta phải xử lý kỉ luật đến mức rất nghiêm khắc đối với 02 vị cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trong đó 01 người được đưa lên vị trí Chủ tịch là người của chính địa bàn, lại nguyên là Giám đốc Công an, (anh hùng lực lượng vũ trang trong phòng chống tội phạm) lên vị trí Chủ tịch hay chúng ta còn gọi là cơ cấu nguồn tại chỗ.
Thứ hai, 01 người đưa từ bộ, ngành khoa học kỹ thuật về làm chủ tịch thì cả 02 trường hợp này đều bị kỉ luật rất nghiêm khắc cho thấy, trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ của chúng ta có nhiều sơ hở…
Ở đây rõ ràng không chỉ là vai trò của các cơ quan có thẩm quyền hay tham mưu về quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt mà trong quá trình ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta thiếu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát vị trí, chức vụ, công việc mà ông ta thực hiện.
Thiếu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát một cách nghiêm túc để xảy ra tình trạng những nhân vật này lún sâu vào vi phạm cho đến bây giờ.
Khi các cơ quan, tổ chức đặt những người đó vào những vị trí đó thì cũng kì vọng rằng người ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và quản lý tốt địa bàn thủ đô nhưng rõ ràng chúng ta đã thất vọng hoàn toàn.
Ở một góc nhìn khác, rõ ràng luật pháp của chúng ta vẫn đi sau thực tiễn. Ở đâu có con người, ở đó có sai sót, vì thế việc giám sát, thanh tra, kiểm tra phải thường xuyên, liên tục và phải có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa về cơ chế giám sát.
Có như vậy thì cán bộ nói chung và cán bộ chủ chốt nói riêng không có cơ hội tham nhũng, không thể tham nhũng ”.
Những sai phạm của 2 cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội
Ngày 7/6, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh – cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội. Thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, ông Chu Ngọc Anh giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ.
Ông Chu Ngọc Anh bị điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cơ quan điều tra xác định ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm COVID-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Hành vi của ông Chu Ngọc Anh đã phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017….
Theo cơ quan thanh tra, sau khi được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, cho phép ứng dụng sản phẩm Redoxy 3C tại các hồ ở Hà Nội, ngày 10/8/2016, Công ty Thoát nước ký hợp đồng với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy-3C với giá 326.000 đồng/kg (vận chuyển theo đường hàng không).
Từ năm 2016 đến quý 1/2019, Công ty Thoát nước đã mua, nhập kho là 403 tấn Redoxy-3C có tổng giá trị 137,6 tỉ đồng. Trong đó đã sử dụng 380 tấn.
Sai phạm của ông Chung và một số bị can khiến nhà nước thiệt hại hơn 41 tỉ đồng
Ly Ly (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/lien-tiep-2-cuu-chu-tich-tp-ha-noi-bi-khoi-to-do-tha-hoa-quyen-luc-hay-do-ke-ho-phap-luat-d183492.html