Đại tá Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: Thanh Tùng.
“Anh Bảy chiến đấu khác thường lắm! Luôn tìm ra cách đánh Mỹ chỉ bằng chiếc MiG17, dù bị địch vây như thế nào thì vẫn thắng, đã lên trên trời rồi thì không cho phép xuống, phải bám đuôi cho bằng được địch…”
“Anh Bảy mà lên trời rồi thì không cho phép mình xuống”
Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM, vào 21h ngày 22/9, Đại tá Nguyễn Văn Bảy đã trút hơi thở cuối cùng.
Sáng 24/9, hàng trăm đồng đội, cựu phi công cùng tham gia chiến đấu đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM) để tiễn đưa vị Đại tá. Giờ phút cuối cùng, ai nấy đều nghẹn ngào trước linh cữu của người Anh hùng dân tộc.
Lễ tiễn đưa vị Đại tá Nguyễn Văn Bảy.
Nhắc nhớ về kể niệm chiến đấu cùng Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Đại tá Phan Tường (94 tuổi, Nguyên Giám đốc Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất), bồi hồi kể: “Anh Bảy là người thông minh lắm. Dù chưa học hết lớp 3, thời gian ra nước ngoài học bay cũng chỉ vỏn vẹn vài trăm tiếng, thầy giáo cầm tay chỉ từng động tác… Vậy mà lúc về nước, ảnh luôn nghĩ ra đủ phương thức tác chiến địch.”
Theo đó, thời kì kháng chiến chống Mỹ từ 1960 trở nên vô cùng cam go. Năm đó, quân đội Mỹ đều trang bị máy bay tiêm kích, ném bom F105 tốc độ cao, được thế giới ví là “con ma”, “thần sấm sét” của bầu trời.
Có nhiều ngày 36 chiếc máy bay Mỹ phủ đen bầu trời, tạo thành từng lớp bảo vệ nhau. Chúng dùng 2 chiếc bay xuống thấp để dụ quân ta vào vòng vây, rồi hàng chục chiếc phía sau bám theo bắn hạ. Vậy mà lúc nào Đại tá Nguyễn Văn Bảy cũng bay xuyên cả đội hình.
“Năm đó, anh Bảy chỉ điều khiển chiếc MiG17, loại máy bay Mỹ cho là đống sắt gỉ. Thế nhưng, nhiều lần quân Mỹ dùng chiến thuật đưa vào vòng vây thì ảnh luôn tìm cách liếc lên cao rồi vòng ra đằng sau đánh bám đuôi. Vì bị tụt lại đằng trước, trở tay không kịp nên quân Mỹ liền bị hạ, hơn chục chiếc phía sau không bám được đuôi chiếc MiG17 của anh Bảy” – chú Hùng nhắc nhớ.
Đồng đội chia buồn cùng gia đình.
Đồng đội, cựu phi công đều tỏ lòng thành kính trước vị phi công huyền thoại.
Từ năm 1965 – 1968, ông Bảy trực tiếp bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ trên mặt trận đối không. Đặc biệt, ngày 24/6/1966, phát hiện hai máy bay Không lực Hoa Kỳ đang bám đuổi máy bay Không quân Nhân dân Việt Nam ở Võ Nhai (Thái Nguyên), ông Bảy cùng đồng đội lao thẳng vào máy địch, bám riết nổ súng.
Trận đó, cả biên đội bắn rơi hai máy bay, riêng ông bắn hạ một chiếc là F-4C của thiếu tá Mỹ John Roberton.
“Anh Bảy chiến đấu khác thường lắm! Luôn tìm ra cách đánh Mỹ chỉ bằng chiếc MiG17, dù bị địch vây như thế nào thì ảnh vẫn thắng, đã lên trên trời rồi thì không cho phép xuống, phải bám đuôi cho bằng được địch…” – Đại tá Phan Tường kể lại.
“Tháng nào lên Sài Gòn thăm anh em, anh Bảy cũng đi con xe 67”
Sau này, dù đã cải tiến nhiều loại máy bay công nghệ cao hơn, ông Bảy vẫn quyết giữ lại chiếc MiG14 làm kỷ niệm. Ngày đưa tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Văn Bảy là người dẫn đầu đại đội MiG14 bay qua Quảng trường Ba Đình để tiễn đưa Bác. Sau đó, ông tiếp tục về miền Nam, trực tiếp chỉ huy công tác chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
“Ảnh bay trên cao thì anh dũng vậy chứ xuống đất lại sống giản dị, chan hoà với anh em lắm! Hồi đó, ở quân chủng, anh Bảy còn vác theo cả con trăn ở quê nhà theo để nuôi. Đêm nào cũng cùng anh em đi săn chuột, bắn thỏ để sáng sau làm mồi nhậu…” – chú Trương Minh Việt (70 tuổi, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 917) kể.
Ảnh: Thanh Tùng.
Sau khi Đại tá Nguyễn Văn Bảy về hưu, ông cùng vợ về quê nhà ở Đồng Tháp để sinh sống. Mỗi ngày, ông Bảy vẫn giữ thói quen trồng cây, nuôi cá trong vườn nhà để làm thú vui tuổi giả.
“Tháng nào hội họp, sinh hoạt chi bộ, ảnh cũng cưỡi con xe 67 lên Sài Gòn thăm anh em, chưa từng đi xe đò. Hễ gặp nhau là lại kể chuyện tiếu lâm. Mỗi chú lần về quê, đi qua Đồng Tháp là ảnh gọi liền: “Việt về quê mà không sang nhà anh à!”. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp sao thì anh Bảy cũng sống vậy!” – chú Việt tâm đắc.
Trong những năm tháng lui về quê nhà an hưởng tuổi già, Đại tá Nguyễn Văn Bảy vẫn tích cực tham gia công tác địa phương, giúp đỡ bà con nghèo và các học sinh vượt khó, trẻ em khuyết tật… khiến ai nấy càng thêm kính mến. Người dân tại đây đều quen thuộc với hình ảnh lão nông với chòm râu bạc phơ, chân chất, ngày ngày làm bạn cùng vườn tược, ao cá.
Ảnh tư liệu
Ngày 16/9, Đại tá Nguyễn Văn Bảy ra vườn nhà trồng cây thì trở cơn đột quỵ. Gần 4 tiếng đồng hồ, trời chuyển mưa giông mà không thấy chồng vào, bà Trần Thị Niên (vợ Đại tá) mới đi tìm thì phát hiện chồng đã bất tỉnh.
Sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Quân Y 175 TP.HCM, tối 22/9, Đại tá Nguyễn Văn Bảy qua đời, hưởng thọ 84 tuổi.
Lễ tiễn đưa Đại tá được tổ chức vào lúc 9h ngày 24/9, sau đó sẽ đưa linh cữu về an nghỉ tại quê nhà Đồng Tháp vào ngày 26/9.