5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam 3 lần thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và “neo” ở mức cao, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong chính sách tiền tệ, tạo dư địa để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng Việt Nam đồng trên địa bàn tỉnh giảm từ 0,5-1,5%/năm so cuối năm 2022. Vốn tín dụng duy trì tăng trưởng hợp lý, các khó khăn vướng mắc được kịp thời tháo gỡ, đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 6,21%/năm, giảm 0,2% so đầu năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân Việt Nam đồng ở mức 9,23%/năm, giảm 0,7%/năm so đầu năm 2023. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngày 23-4-2023, NHNN ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng xem xét trên thực tế khách hàng và năng lực tài chính của mình để cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ ngày 24-4-2023 đến hết 30-6-2024. Cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ ngân hàng, nhất là những khách hàng gặp khó do nguyên nhân khách quan. Khách hàng được gia hạn nợ, giãn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nên vẫn tiếp cận được nguồn vốn vay mới để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngành ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường đối với chủ đầu tư, người mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí, đồng thuận giảm lãi suất, triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với người dân, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn so lãi suất cho vay thông thường.
Đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, 4 ngân hàng thương mại lớn: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank chủ động hạ lãi suất cho vay. So với thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay của các ngân hàng này giảm từ 1,5 – 3%/năm. Đây được xem là sự hỗ trợ tích cực đối với khách hàng.
Vietcombank Bắc Ninh đẩy mạnh cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh, thực hiện chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, Vietcombank chủ động triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-7-2023, giảm tới 1 %/năm lãi suất cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Mới đây ngày 31-5-2023, Vietcombank chính thức thông báo mặt bằng lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới. Trong đó, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay dao động từ 7,2 – 8,5%/năm tuỳ từng kỳ hạn. Đối với khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay dao động từ 9,5 – 10,2%/năm. So với thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay tại Vietcombank giảm từ 0,8 – 3%/năm tùy từng kỳ hạn.
BIDV Chi nhánh tỉnh cũng tiên phong giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đối tượng khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngày 26-5-2023, BIDV tiếp tục thực hiện điều chỉnh lãi suất lần thứ 4 với tổng mức giảm từ đầu năm đến nay 2,5%/năm. Theo đó, lãi suất thấp nhất hiện nay của BIDV là 7,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; các kỳ hạn trung và dài hạn dao động từ 9,5 – 10,5%/năm.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm áp lực tài chính, từ đó có thêm cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Anh Nguyễn Tùng Lâm, chủ cơ sở kinh doanh thiết bị điện nước tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh đang được Vietcombank Bắc Ninh cho vay hạn mức hơn 10 tỷ đồng, mức lãi suất áp dụng 8,2% kỳ ngắn hạn, giảm 0,6% so với cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Đinh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Hoàng Ngân, xã Quảng Phú (Lương Tài) chia sẻ: “Năm 2022, có thời điểm doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 14%/năm kỳ trung dài hạn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này lãi suất giảm xuống 1,5% tạo điều kiện để doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thêm vốn lưu động nhập nguyên liệu và trả lương cho người lao động. Lãi suất tuy giảm nhưng vẫn đang ở mức khá cao. Mong muốn ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn, đặc biệt kỳ trung dài hạn về dưới 10%/ năm, tạo điều kiện doanh nghiệp phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19”.
Thời gian tới NHNN định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển dịch vụ bán lẻ, gia tăng lợi nhuận để giảm lãi suất (ở các kỳ hạn) hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển nhằm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế- xã hội.
Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/lai-suat-cho-vay-giam-thuc-ay-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh